Khi nồng độ axit uric máu thay đổi, cả trên và dưới mức bình thường, cũng gây ra một số tình trạng bệnh. Khi ở mức cao bất thường thì có liên quan đến bệnh gút, cao huyết áp, tim mạch, thận; trong khi đó nồng độ thấp thì lại có liên quan đến một số bệnh như đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, viêm dây thần kinh thị giác.

Nồng độ axit uric cân bằng trong cơ thể.

Axit uric là một axit yếu phân bố khắp dịch ngoại bào trong cơ thể ở dạng muối natri urat. Lượng muối urat trong máu phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống, sự sinh tổng hợp urat và tốc độ bài tiết urat. Nồng độ axit này được quy định bởi một hệ thống vận chuyển gồm 4 thành phần: lọc ở cầu thận, tái hấp thu, bài tiết và sự tái hấp thu bài tiết. Chúng được sản xuất từ purin bởi enzyme xanthine oxidase  qua con đường chuyển hóa purin. Ở động vật có vú, nó còn bị thoái giáng hơn nữa để trở thành Allantoin bởi enzyme urease, sau đó thì các Allantoin được tự do bài tiết ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên Miocene, xảy ra 2 đột biến riêng biệt và kết quả làm cho 1 gen urease mất chức năng. Do đó, người và loài khỉ có nồng độ axit uric cao hơn so với các động vật có vú khác.

Một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng, tăng axit uric máu đối với nam giới khi nồng độ axit của họ lớn hơn 386 µmol/l (một số nghiên cứu thì lớn hơn 420 µmol/l); đối với nữ giới nồng độ này lớn hơn 360 µmol/l. Và một dạng Hypouricemia thường được định nghĩa là khi nồng độ này khoảng dưới 120 µmol/l. Như vậy, phạm vi bình thường của nồng độ axit uric trong máu nằm trong khoảng 120 – 380 µmol/l, chỉ khác nhau đôi chút phụ thuộc vào giới tính.

Nồng độ axit uric cao trong cơ thể.

Nồng độ axit uric máu là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có cả nguyên nhân dẫn đến gút cấp tính và mạn tính. Nguyên nhân chính gây ra tăng axit uric máu dẫn đến cơn gút cấp bao gồm uống quá nhiều rượu, trong chế độ ăn có chứa nhiều đạm chứa nhân purin. Ngoài ra, vấn đề này có thể gây ra sự giảm khả năng lọc của thận, và có liên quan đến một số bệnh bao gồm bệnh gút, cao huyết áp, bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thận.

Nồng độ axit uric giảm trong cơ thể.

Nồng độ axit uric máu dưới mức bình thường cũng có liên quan tới một số bệnh như đa xơ cứng, viêm dây thần kinh thị giác, bệnh Parkinson và Alzheimer. Trong các bệnh về viêm nhiễm, nếu nồng độ này giảm thì không thể ngăn chặn được độc tính của oxy và nitơ làm gia tăng thêm tình trạng viêm.

Hồng Nhung.