Bệnh gút gây ra do sự lắng đọng quá nhiều axit uric, dẫn đến sưng và tổn thương nghiêm trọng ở các khớp xương. Sự lắng đọng này là kết quả của thói quen ăn uống không lành mạnh dẫn đến sự rối loạn trao đổi chất trong cơ thể. Ngoài các thực phẩm như thịt đỏ, hải sản, bia rượu… thì đường fructose cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh gút mà chúng ta cần phải quan tâm. Từ đó khi chúng ta có kế hoạch cụ thể để thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng cũng như lựa chọn cho mình những sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh phù hợp sẽ giúp giảm được các triệu chứng, khôi phục chức năng trao đổi chất giúp người bệnh sống hòa bình với căn bệnh mạn tính này.
Mối liên quan giữa bệnh gút và sự chuyển hóa đường fructose
Nhiều năm qua, các bác sĩ đã cho chúng ta biết rằng bệnh gút là kết quả của sự phá vỡ chuyển hóa nhân purin trong cơ thể. Purin là một loại phân tử được hình thành bởi nhóm các axit nucleic, thường có trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày như: thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, bia rượu… Bệnh gút mang lại những cơn đau thật sự rất kinh hoàng và những khó khăn trong cuộc sống mà chỉ những người bệnh mới hiểu rõ. Vậy những đối tượng nào dễ mắc bệnh gút?
Vì tính chất của bệnh, các bác sĩ phải dùng đến các loại thuốc giảm đau nhanh, mạnh để đạt hiệu quả trong việc giải quyết được các triệu chứng bệnh nhưng các thuốc này thường kèm theo nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ngày nay, với sự tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật, đã có nhiều nghiên cứu để tìm hiểu thêm về bệnh gút từ đó có những hướng điều trị mới để hạn chế tối đa những khó khăn trong các phương pháp hiện nay.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy được mối liên hệ mật thiết giữa bệnh gút và sự tiêu thụ quá mức lượng đường fructose. Nghiên cứu đã đưa ra một kết luận khá quan trọng, các quá trình sinh hóa để tiêu thụ đường fructose trong cơ thể cần một phân tử năng lượng có tên là adenosine triphosphate, chất này kích thích cơ thể sản sinh ra axit uric. Vì vậy, những người tiêu thụ quá nhiều lượng đường fructose thì có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn những người sử dụng ít loại đường này.
Ở New Zealand, những người Maori rất hiếm khi mắc bệnh gút. Tuy nhiên, hiện nay số người mắc bệnh gút ngày càng gia tăng (khoảng 10 – 15%). Có thể cho rằng, hải sản là nguyên nhân chính gây nên bệnh gút cho những người dân vùng đảo Thái Bình Dương này,nhưng từ xưa đến nay họ vẫn ăn rất nhiều hải sản. Vậy nguyên nhân do đâu khiến cho số lượng người Maori mắc bệnh gút lại tăng cao? Các nhà nghiên cứu đã tiến hành trên thực nghiệm và tìm ra câu trả lời rằng: những người dân nơi đây tiêu thụ đường và đặc biệt là đường fructose cao gấp 50 lần so với thời kì cách đây 100 năm. Như vậy, có thể thấy rằng, ngoài hải sản thì việc tiêu thụ quá nhiều lượng đường fructose cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh gút ở người Maori.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ đã chứng minh rằng những người uống loại nước giải khát có chứa hàm lượng đường fructose cao mỗi ngày/lần, thì nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 74% những người uống cùng loại thức uống đó mỗi tháng/lần và những người uống hai lần trở lên mỗi ngày thì có nguy cơ mắc bệnh tới 97%. Vì vậy, với những kết quả nghiên cứu trên không thể phủ nhận mối nguy mắc bệnh gút từ đường fructose.
Fructose là một phân tử đường thường có trong ngô, một số loại trái cây, mật ong và mật cây agave. Vì vậy, những người bệnh gút hoặc mắc hội chứng tăng axit uric máu nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm trên để tránh sản sinh thêm axit uric trong máu khiến cho tình trạng bệnh trở nên xấu hơn.
Kế hoạch dinh dưỡng để chống lại bệnh gút
Một kế hoạch ăn uống điển hình dành cho người bệnh gút là nên giảm các thức ăn chứa nhiều nhân purin như hải sản, thịt đỏ, bia rượu, một số loại ngũ cốc, giảm lượng đường fructose… và thay vào đó nên tập trung vào các loại rau kiềm tính, có chứa nhiều chất xơ, hàm lượng chất chống oxy hóa cao và nguồn chất béo lành mạnh. Một số loại rau tốt cho người bệnh gút như cần tây, súp lơ, củ cải trắng, dưa leo… và nguồn chất béo lành mạnh từ dầu dừa, dầu ô liu… Những người bệnh gút nên ăn các thực phẩm thô sẽ tốt hơn so với các loại đã chế biến sẵn, vào bữa tối nên ăn các thực phẩm đã nấu chín và buổi sáng thì nên bổ sung thật nhiều rau. Nên uống thật nhiều nước mỗi ngày giúp thanh lọc cơ thể.
Việt Nguyễn