Bệnh gút là một bệnh viêm khớp đặc biệt gây ra do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin trong cơ thể. Nếu không điều trị kịp thời, gút sẽ nhanh nhóng chuyển qua giai đoạn mạn tính, tuy nhiên ngay từ giai đoạn đầu đã có những dấu hiệu cảnh báo. Bạn hãy “lắng nghe” những bất thường từ cơ thể của mình để có thể nhận biết sớm được căn bệnh, điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh sau này.

Những dấu hiệu đặc trưng của bệnh gút

Để sớm nhận biết các dấu hiệu của bệnh gút, điều quan trọng là chúng ta cần phải biết cách “lắng nghe” cơ thể của mình. Nguyên nhân gây ra bệnh gút là do tình trạng dư thừa acid uric máu, lâu ngày dẫn đến tình trạng bão hòa máu và khiến hợp chất này kết tinh thành dạng muối urat sắc nhọn. Thông thường khi các tinh thể muối urat tích tụ tại các khớp và các mô xung quanh đến một giới hạn nào đó, người bệnh gút sẽ có những triệu chứng ban đầu rất điển hình là bị viêm khớp như sưng, nóng, đỏ, đau ở một số khớp (Hơn 70% xuất hiện đầu tiên là khớp ngón chân cái). Triệu chứng này có tên gọi là podagra. Các cuộc “tấn công” của gút thường xảy ra vào ban đêm và nghiêm trọng đến mức chỉ cần tấm ga trải giường chạm nhẹ vào cũng đau đến không thể chịu đựng nổi hay chỉ là cơn gió thoảng qua cũng khiến người bệnh đau như hàng ngàn cây kim châm chích. Sự khó chịu này tăng lên nhanh chóng, kéo dài nhiều giờ và giảm dần trong 2-7 ngày sau đó. Khi cơn gút cấp lui dần đi, lớp da quanh khớp đau bị tróc vảy và có cảm giác ngứa. Ngoài ra, ở một số bệnh nhân gút có thể kèm theo bị sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi, khát nước, nước tiểu có màu vàng và khó cử động các khớp.

Những cơn đau nhẹ có thể chỉ kéo dài từ 1-2 ngày nhưng các cơn đau nặng lại có thể kéo dài nhiều tuần, hoặc cả tháng. Đa số những người bệnh gút bị các cơn đau tấn công lần thứ hai trong khoảng 6 tháng đến 2 năm sau lần thứ nhất. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào thể trạng và chế độ dinh dưỡng của mỗi người mà thời gian tái phát sẽ khác nhau. Song song, biện pháp đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để đánh giá chỉ số acid uric máu có vượt mức cho phép (cao hơn 420 micromol/lít đối với nam giới và cao hơn 380 micromol/lít đối với nữ giới) hay không cũng là một cách dễ dàng để chúng ta kiểm soát được tình trạng sức khỏe.

Nếu như chúng ta không nhận biết được các dấu hiệu sớm của bệnh gút để chữa trị kịp thời, thì các cơn cấp tính sẽ tấn công trở lại là một điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải bất kì ai mắc bệnh gút cũng thể hiện đầy đủ những dấu hiệu đặc trưng trên. Những người này, đến khi xuất hiện các cơn gút cấp, thì tinh thể muối urat đã tích lũy và gây sưng ở nhiều khớp dẫn đến tình trạng chẩn đoán nhầm thành viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,…

Đặc biệt, ở những đối tượng hay uống nhiều rượu bia, ăn nhiều thực phẩm chứa purin, lười vận động hoặc đang mắc các bệnh lý như béo phì, máu nhiễm mỡ, suy thận… là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gút khá cao. Vì vậy, những đối tượng này nên có kế hoạch phòng bệnh hiệu quả để tránh nguy cơ mắc bệnh gút.

Bích Phương