Bệnh gút (thống phong) từ xa xưa còn được xem là “bệnh nhà giàu”, sở dĩ được gọi như thế vì chỉ những người nhà giàu mới có điều kiện ăn uống quá nhiều thực phẩm giàu đạm chứa nhân purin – nguồn gốc chủ yếu tạo ra axit uric gây nên bệnh gút. Tuy nhiên, ngày nay do mức sống được nâng cao, cuộc sống no đủ khiến cho quan điểm đó không còn nữa, bởi vì bệnh gút có thể xảy ra với bất kì ai, mà trong đó nam giới độ tuổi trung niên và nữ giới sau giai đoạn mãn kinh là 2 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gút cao nhất. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin bổ ích về căn bệnh này.
Bệnh gút là gì?
Bệnh gút là một bệnh viêm khớp gây ra do sự lắng đọng các tinh thể muối urat tại các khớp. Axit uric là sản phẩm trong quá trình thoái giáng các chất đạm chứa nhân purin và các chất đạm này thường có trong các loại thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày. Bệnh gút bao gồm 2 thể: gút cấp tính và gút mạn tính.
Các triệu chứng của bệnh gút
Các triệu chứng của bệnh gút hầu hết là cơn gút cấp tính, xảy ra đột ngột vào ban đêm và không có những dấu hiệu báo trước. Dưới đây là những triệu chứng cơ bản mà bất cứ người bệnh gút nào cũng trải qua:
Cơn đau kinh hoàng: Cảm giác đau kinh hoàng tại khớp và thường là khớp bàn ngón chân cái, ngoài ra có thể xảy ra ở khác khớp khác như: khớp gối, cổ tay, khuỷu tay, ngón tay… Hầu hết các cơn đau diễn ra với tính chất tăng dần và kéo dài trong vòng 5 – 10 ngày sau đó tự lui dần. Các cơn đau cấp này có thể tái phát với thời gian là khác nhau tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người bệnh.
Khớp sưng, nóng, đỏ: tại các khớp có triệu chứng viêm sưng tấy, nóng, đỏ khi xét nghiệm máu, nước tiểu và dịch khớp có sự tập trung axit uric cao hơn mức bình thường.
Nguyên nhân và một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh gút
Ở những người bình thường nồng độ axit uric được giữ cân bằng nhờ chức năng lọc của thận, nhưng do nguyên nhân nào đó dẫn đến sự tăng sản xuất hoặc giảm đào thải axit uric trong cơ thể dẫn đến tình trạng tăng axit uric máu, về lâu ngày hình thành các tinh thể muối urat hình kim kết tinh tại vị trí các khớp gây ra các cơn đau gút cấp. Ngoài ra các tinh thể này còn lắng đọng tại các cơ quan khác trong cơ thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như: tổn thương xương khớp, suy thận, sỏi thận, tổn thương đến hệ tim mạch…
Nguyên nhân sâu xa của bệnh gút là do sự trục trặc về gen, cho đến nay các nhà khoa học đã xác định được có 5 gen liên quan đến bệnh gút: HGPRT1, glc6-photphat và 3 gen PRPPs1,2,3 có trong tinh hoàn. Hơn nữa, thói quen uống nhiều rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tăng axit uric trong cơ thể dẫn đến bệnh gút.
Nguy cơ mắc bệnh gút tăng ở những người có lối sống không khoa học, những bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì… Ngoài ra, bệnh còn thường xảy ra ở những người phải dùng nhiều thuốc lợi tiểu, trong gia đình có người thân đã từng mắc bệnh gút…
Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh gút
Để chẩn đoán chính xác bệnh gút ngoài việc dựa vào những dấu hiệu đặc trưng của bệnh gút qua từng giai đoạn, nên tiến hành các xét nghiệm như kiểm tra dịch khớp đi tìm tinh thể muối urat trong bạch cầu, xét nghiệm nước tiểu để định lượng hàm lượng axit uric và xét nghiệm máu để xác định nồng độ axit uric máu.
Điều trị bệnh gút
Việc điều trị cho người bệnh gút chủ yếu là giảm đau, chống viêm trong các đợt viêm cấp và hạ được axit uric máu để phòng ngừa tái phát các đợt viêm cấp, ngăn ngừa biến chứng gây ra. Việc sử dụng các loại thuốc tây cần được tham vấn ý kiến của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Vì nếu dùng kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe như dị ứng, viêm loét dạ dày, tá tràng, ảnh hưởng đến chức năng thận…
Nhung Nhung