Bệnh gút hay còn gọi là bệnh thống phong, là một bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể khi dư thừa quá nhiều chất đạm. Thực tế người mắc bệnh gút rất dễ gặp phải những tác dụng phụ từ các loại thuốc trị bệnh gút nếu không biết cách sử dụng một cách hợp lý.
Bệnh gút thường bắt đầu tấn công đột ngột và mạnh mẽ với những cơn đau dữ dội ở các khớp chi dưới như ngón chân (đặc biệt là ngón chân cái), mắt cá, đầu gối, hay các khớp bàn tay, khuỷu tay, cổ tay…. Các khớp bị sưng, viêm, đau dữ dội, kèm theo những dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, sốt cao, khát nước. Nếu không có chế độ dự phòng và điều trị thích hợp, những đợt viêm cấp sẽ tái diễn ngày càng nhiều hơn, có thể xuất hiện các hạt tophi dưới da, nếu vỡ ra gây loét và hoại tử rất khó chữa lành.
Trong trị bệnh gút, bệnh nhân thường được chỉ định 2 nhóm thuốc chính:
Một là thuốc giảm đau chống viêm, giúp giảm các triệu chứng sưng, viêm, đau một cách nhanh chóng. Đó thường là các thuốc giảm đau, chống viêm gút đặc hiệu colchicin; hoặc thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs). Tùy vào mức độ đau và ngưỡng đáp ứng của bệnh nhân mà có thể dùng đơn độc colchicin hay phối hợp colchicin với thuốc NSAIDs trong mục đích giảm triệu chứng cho bệnh nhân. Mặc dù, các thuốc này giúp giảm triệu chứng rất nhanh nhưng có thể sẽ gây ra cho bệnh nhân nhiều tác dụng phụ như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng, tăng huyết áp, giảm bạch cầu trung tính, hoặc trầm trọng hơn là có thể hủy hoại tủy xương nếu dùng ở liều cao, do đó trong quá trình điều trị bệnh gút ta nên hạn chế sử dụng.
Hai là thuốc làm giảm nồng độ axit uric máu như allopurinol. Đây là thuốc có tác dụng làm giảm nồng độ axit uric máu tương đối hiệu quả, tuy nhiên khi sử dụng lâu dài có thể gây sỏi thận, suy thận cùng nhiều biến chứng của nó.
Thu Nga