Sự hình thành hạt tophi là hiện tượng thường xuất hiện ở người bệnh gút đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Với những hạt tophi với kích thước nhỏ không đau nhưng gây mất thẩm mỹ nhưng trong trường hợp hạt tophi to vỡ loét thì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Vậy khi nào cần phẫu thuật hạt tophi?
Sự hình thành hạt tophi ở người bệnh gút
Hạt tophi là những hạt màu trắng, cố định, xuất hiện dưới da, thường xuất hiện ở những bệnh nhân gút chuyển sang giai đoạn mạn, thường gặp ở các vị trí như: tai, khuỷu tay, ngón chân, ngón tay, mắt cá chân… Ở một số trường hợp hạt tophi mới hình thành nên vẫn còn nhỏ không gây đau nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu nồng độ acid uric trong cơ thể vẫn tiếp tục tăng thì các hạt này sẽ tăng dần kích thước gây biến dạng khớp, phá hủy sụn khớp. Nhiều trường hợp nặng, hạt tophi sẽ bị vỡ gây loét và hoại tử xương buộc phải tháo khớp. Mặt khác, khi các hạt tophi vỡ, acid uric sẽ được hòa tan, đi vào máu và tiếp tục gây ra những cơn đau gút cấp, khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn và để lại những hậu quả nặng nề như suy thận, sỏi thận, tim mạch, …
Hình ảnh hạt tophi
Phẫu thuật hạt tophi cho người bệnh gút và những lưu ý sau phẫu thuật
Phẫu thuật là một trong những phương pháp hỗ trợ trong chiến lược điều trị bệnh gút nhằm loại bỏ các hạt tophi gây cản trở sự vận động của khớp, đồng thời giúp phòng tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra. Nhưng bạn phải lưu ý, việc phẫu thuật các hạt tophi chỉ thực hiện khi được các bác sĩ chỉ định, trong những trường hợp: các hạt tophi có kích thước to ảnh hưởng đến vận động và thẩm mỹ; các hạt tophi đã bị vỡ và gây ra các biến chứng loét, bội nhiễm…; khi người bệnh gút có hạt tophi và một số bệnh lý đi kèm như tim mạch, mỡ máu, huyết áp, tiểu đường… cũng là một trong những đối tượng cần phải phẫu thuật.
Bệnh gút gây sưng khớp
Bên cạnh đó, việc chăm sóc người bị bệnh gút sau khi phẫu thuật loại bỏ hạt tophi cần phải cẩn thận để tránh nhiễm trùng. Việc thay băng lần đầu tiên rất quan trọng để đánh giá vết mổ, nếu thấy ứ dịch phải tách vết mổ để cho thoát dịch và máu bầm. Khi vết mổ đã ổn định thì thay băng 2 ngày/lần và cắt chỉ sau 10 ngày. Nên lưu ý đối với những hạt tophi đã bị vỡ, hoặc ở những vùng bị tỳ đè, các vết mổ sẽ lâu liền hơn vì được nuôi dưỡng kém. Một vấn đề quan trọng là, nếu người bệnh không tuân thủ theo phác đồ điều trị, không duy trì chế độ dinh dưỡng và luyện tập phục hồi đúng cách thì rất dễ bị tái phát trở lại.