Bệnh gút là gì

Bệnh gút là tình trạng viêm khớp thường gây đau đớn cho người mắc trong khoảng từ 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, cơn đau có thể tái phát bất cứ khi nào với các biểu hiện nghiêm trọng hơn cả về mức độ và thời gian. Nó thường gây đau phổ biến nhất là ở khớp ngón chân, ngón tay, nhưng các khớp khác cũng có thể bị ảnh hưởng.

Bệnh gút có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người béo phì, bị tiểu đường, mắc vấn đề về thận, người thường xuyên sử dụng rượu, bia. Cuộc sống hiện đại với thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh,… khiến bệnh gút ngày càng trở nên phổ biến.

Nguyên nhân bệnh gút là gì?

Axit uric là một chất thải được tạo ra trong quá trình phân hủy bình thường của purin - các chất tự nhiên có trong những loại thực phẩm như: Gan, nấm, cá cơm, cá thu,...

Axit uric thường được loại bỏ ra khỏi cơ thể cùng với nước tiểu. Tuy nhiên, khi nồng độ axit uric trong máu quá cao hoặc khi chức năng thận suy giảm, chúng có thể tích tụ trong cơ thể. Tình trạng này được gọi là tăng axit uric máu. Nồng độ axit uric cao trong máu cuối cùng sẽ biến đổi axit thành tinh thể urat, sau đó tích tụ xung quanh các khớp. Các tinh thể urat giống như hình kim lắng đọng tại khớp sẽ gây ra tình trạng viêm và triệu chứng đau của bệnh gút. 

Một số yếu tố có thể làm cho một người dễ bị bệnh gút hơn, bao gồm:

- Có tiền sử gia đình mắc bệnh gút.

- Thừa cân.

-  Mắc các vấn đề về thận.

- Uống quá nhiều rượu, bia, chất kích thích,…

- Dùng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc niacin.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh gút

Các dấu hiệu bệnh gút rất khó nhận biết bởi nó dễ bị nhầm lẫn với tình trạng viêm khớp khác. Dưới đây là những triệu chứng bệnh gút bạn cần phải biết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

- Đau khớp dữ dội: Bệnh gút thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái đầu tiên, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Khi bị bệnh gút, bạn sẽ nhận thấy cơn đau dữ dội nhất trong vòng từ 4 – 12 giờ đầu tiên.

- Cơn đau khớp dữ dội về đêm: Một triệu chứng bệnh gút điển hình khác là bạn sẽ có những cơn đau khớp dữ dội về đêm. 

- Da bị đỏ, ngứa và bong tróc: Bệnh gút sẽ làm các khớp bị đỏ, trông như nhiễm trùng. Khi cơn đau thuyên giảm, bạn sẽ thấy khớp bị ngứa và vùng da xung quanh bong tróc.

- Gặp khó khăn khi vận động: Khi bệnh gút tiến triển, bạn có thể không di chuyển được khớp như bình thường, gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày.

- Cơn đau tái phát theo đợt: Gút sẽ hành hạ người bệnh theo từng đợt bất thường. Các đợt đau gút tái phát có thể cách nhau từ vài tháng tới vài năm, tùy thuộc cách mà bạn kiểm soát bệnh.

Bật mí 3 cách giúp giảm đau gút cấp tại nhà

Bệnh gút thường gây đau đớn nhiều hơn vào ban đêm hoặc gần sáng, khiến bệnh nhân khó có giấc ngủ trọn vẹn. Nếu cũng đang lâm vào tình trạng như vậy, bạn đừng bỏ qua 3 cách làm dưới đây:

- Chườm đá: Chườm lạnh có thể giúp làm dịu đi cơn đau tại các khớp một cách hiệu quả. Bạn hãy bỏ vài viên đá vào một chiếc khăn mềm, sau đó chườm lên khu vực bị đau khoảng 20 - 30 phút. Chườm liên tục đến khi cảm thấy đỡ đau thì dừng. Điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo và dễ chịu hơn. Khi chườm đá, bạn hãy nhấc chân hoặc tay, nơi có khớp bị đau lên để tránh tụ máu. 

- Nâng cao chỗ khớp bị sưng: Cách này giúp tăng cường lưu thông máu. Nếu chân bị ảnh hưởng, bạn nên nằm trên giường và nâng chân cao hơn người bằng cách kê gối phía dưới. Cách làm này cũng sẽ giúp bạn thoải mái hơn và có giấc ngủ ngon hơn.

- Uống nước trước khi ngủ: Việc uống nước trước khi đi ngủ sẽ giúp hạn chế mất nước và đôi khi cũng trở nên hiệu quả để có giấc ngủ ngon hơn.