Bệnh gút là gì?

Bệnh gút là một dạng viêm khớp đặc biệt, tái phát nhiều lần. Những cơn đau cấp tính thường xuất hiện đột ngột và bắt đầu ở một khớp, sau đó lan sang các vị trí lân cận. Bệnh gút xảy ra khi axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến tích tụ tinh thể muối urat trong dịch khớp hoặc ngoài khớp. Sự lắng đọng ở màng hoạt dịch gây nên những đợt tấn công của viêm khớp cấp, đồng thời làm suy giảm chức năng thận và các cơ quan khác.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, những dấu hiệu thường không rõ ràng nên rất khó để phát hiện. Các chuyên gia gọi đây là hội chứng tăng axit uric trong máu, chứ chưa hẳn là bệnh gút. Do đó, chỉ khi xét nghiệm axit uric mới có thể biết được chính xác. Tuy nhiên, với những dấu hiệu hết sức mờ nhạt này nên người bệnh khá chủ quan. Điều này dẫn đến bệnh không được phát hiện sớm. Khi cơn đau gút đầu tiên xuất hiện thì bệnh đã sang giai đoạn cấp tính.

Triệu chứng bệnh gút ở chân

Các dấu hiệu bệnh gút ở chân không khó nhận biết nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm khớp khác. Khi thấy các triệu chứng sau đây, rất có thể bạn đang bị bệnh gút.

- Khớp chân đau dữ dội: Bệnh gút thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái đầu tiên, nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở khớp mắt cá chân, khớp đầu gối,… Khi bị bệnh gút tấn công, bạn sẽ nhận thấy cơn đau dữ dội nhất trong vòng từ 4 – 12 giờ đầu tiên.

- Khớp chân đau dữ dội về đêm: Một triệu chứng bệnh gút điển hình khác là bạn sẽ có những cơn đau khớp dữ dội về đêm tới mức không thể ngủ yên giấc.

- Da vùng khớp chân bị bong tróc: Bệnh gút sẽ khiến khớp chân của bạn bị viêm và sưng tấy. Lúc này, da quanh khớp sẽ bị đỏ, trông như nhiễm trùng. Khi cơn đau thuyên giảm, bạn sẽ cảm thấy ngứa và da vùng khớp bị đau sẽ bong tróc.

- Cơn đau tái phát theo đợt: Bệnh gút thường tấn công theo từng đợt. Sau khoảng 7 – 10 ngày, cơn đau gút sẽ tự hết kể cả khi bạn không sử dụng thuốc hay điều trị. Tuy nhiên, không phải bệnh đã thuyên giảm. Gút có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nếu bạn không có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

Phòng ngừa bệnh gút ở chân tái phát bằng cách nào?

Bệnh gút không được kiểm soát tốt có thể tiến triển nặng và chuyển sang giai đoạn mạn tính, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Để phòng ngừa và kiểm soát tốt bệnh gút, các chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện một số thay đổi trong lối sống và chế độ dinh dưỡng như sau:

- Hạn chế ăn thịt, cá và gia cầm: Một lượng nhỏ những thực phẩm này là có thể được chấp nhận với người bị bệnh gút. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều thì bạn nên suy nghĩ lại. So với thịt đỏ thì cá sông, thịt gia cầm có vẻ thân thiện hơn với người mắc bệnh gút.

- Không uống rượu, bia: Bằng chứng gần đây cho thấy, bia có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng bệnh gút, đặc biệt là ở nam giới. Rượu cũng khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hạn chế rượu, bia sẽ giúp tình trạng bệnh gút được kiểm soát tốt hơn.

- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp cơ thể đào thải axit uric ra ngoài được tốt hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên uống nước lọc, không uống đồ uống có ga, nước ngọt đóng chai,… vì chúng có hại cho sức khỏe.

- Tập luyện đều đặn: Khi cơn đau không tái phát, bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,… để khớp xương dẻo dai và phòng ngừa bệnh gút tốt hơn.