Bệnh gút mạn tính là gì?

Bệnh gút là tình trạng viêm khớp hình thành do nồng độ axit uric máu tăng cao quá mức cho phép. Axit uric là sản phẩm thừa của quá trình chuyển hóa một hợp chất có tên gọi là purin. Bình thường, axit uric hòa tan trong máu và được thận loại bỏ ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu. Khi thận bị suy giảm chức năng sẽ khiến axit uric không được loại bỏ hết mà tích tụ trong máu, lâu dần kết tinh thành tinh thể muối urat có hình kim sắc nhọn lắng đọng tại khớp và gây cơn đau gút. 

Bệnh gút được chia làm 3 giai đoạn chính là: Giai đoạn tăng axit uric nhưng chưa có triệu chứng đau khớp; Giai đoạn gút cấp tính và giai đoạn gút mạn tính.

Gút mạn tính phát triển ở những người mắc bệnh gút có nồng độ axit uric trong máu cao đã nhiều năm nhưng không có phương pháp nào để kiểm soát tốt. Ở giai đoạn này, các cơn đau gút trở nên thường xuyên hơn. Nếu người bệnh vẫn không có cách để kiểm soát bệnh tốt thì nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Dấu hiệu nhận biết bệnh gút mạn tính

Về cơ bản, dấu hiệu bệnh gút mạn tính vẫn là những triệu chứng giống như giai đoạn gút cấp tính nhưng có xu hướng nặng hơn cả về mức độ đau và thời gian tái phát cơn đau. Dưới đây là những biểu hiện của bệnh gút mạn tính thường thấy nhất:

- Xuất hiện hạt tophi: Hạt tophi được coi là biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở người mắc bệnh gút mạn tính. Các hạt tophi thường xuất hiện tại khớp ngón tay, khuỷu tay, khớp ngón chân, đầu gối, quanh vành tai… 

- Viêm khớp nặng: Tình trạng viêm khớp nặng hơn, khớp sưng, đau dữ dội với tần xuất tái phát nhiều lần trong tháng. Ở mức độ nặng, người mắc bệnh gút có thể bị đau liên tục, không theo từng đợt.

- Ảnh hưởng tới nhiều khớp hơn: Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều khớp cùng một lúc được gọi là gút đa khớp. Các khớp dễ bị ảnh hưởng nhất là khớp bàn chân, cổ chân, đầu gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay.

- Chỉ số axit uric cao, thường ở mức khoảng 580 - 700 µmol/l.

Những biến chứng của bệnh gút mạn tính

Không chỉ đối mặt với cơn đau gút nặng nề hơn trong thời gian kéo dài, người bệnh còn gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Dưới đây là những biến chứng của bệnh gút ở giai đoạn mạn tính mà bạn không thể xem thường:

- Tàn phế: Người bị gút mạn tính thường xuất hiện hạt tophi. Hạt tophi hình thành, không được kiểm soát sẽ bị vỡ, viêm, loét, gây thiệt hại cho mô khớp. Khớp có thể đi ra khỏi liên kết vốn có và trở nên bất động.

- Dễ mắc bệnh sỏi thận, suy thận: Các tinh thể urat tích tụ ở thận và hình thành sỏi. Có khoảng 15% người mắc gút sẽ phát triển sỏi thận. Ngoài ra, sự tích tụ axit uric trong cơ thể dễ dẫn tới tình trạng suy thận theo thời gian.

- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Nghiên cứu cho thấy, bệnh gút làm tăng nguy cơ đau tim ở nam giới. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng để hiểu mối liên hệ này nhưng nồng độ axit uric trong cơ thể cao có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề ấy.

Làm sao để cải thiện bệnh gút mạn tính hiệu quả?

Ở giai đoạn mạn tính, bệnh gút không chỉ gây đau đớn, khó khăn trong vận động, mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề khác. Do đó, khi điều trị bệnh gút, bạn nên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý. Các thay đổi này bao gồm:

- Ăn nhiều trái cây tươi: Trái cây là thực phẩm rất tốt cho người bị bệnh gút vì chúng chứa ít purin. Một số loại trái cây như: Quả anh đào, chanh, cam, táo,... có chứa hàm lượng polyphenol cao. Đây là hoạt chất giúp giảm sự phân hủy purin thành axit uric và tăng đào thải chúng qua nước tiểu.

- Uống sữa ít béo: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sữa ít béo chứa hàm lượng purin thấp và có khả năng tăng đào thải axit uric khỏi cơ thể. Các chuyên gia khuyên mọi người nên sử dụng sản phẩm sữa không béo để giảm nồng độ axit uric, kiểm soát bệnh gút hiệu quả.

- Hạn chế uống nước ngọt đóng chai: Trong nước ngọt đóng chai thường chứa đường fructose cao. Đây là thủ phạm có thể làm tăng nồng độ axit uric và gây ra các triệu chứng bệnh gút. Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, người bị bệnh gút nên hạn chế sử dụng các loại nước ngọt đóng chai.

- Hạn chế uống rượu: Uống bất kỳ loại rượu nào cũng có thể gây ra cơn đau gút vì nó làm giảm khả năng lọc axit uric của thận, khiến chúng dễ tích tụ tại khớp và gây đau đớn. Càng uống nhiều rượu thì nguy cơ mắc bệnh gút của bạn sẽ càng cao. Chính vì vậy, hãy hạn chế uống rượu tới mức tối đa để phòng ngừa bệnh gút hiệu quả hơn.

- Hạn chế thực phẩm giàu purin: Các chuyên gia khuyên người bị gút nên cẩn trọng với các thực phẩm chứa quá nhiều purin vì nó có thể làm tăng nồng độ axit uric máu. Những thực phẩm giàu purin bao gồm: Thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật,...