Theo số liệu thống kê cho thấy có khoảng 0,3% dân số (người lớn) mắc bệnh gút. Trước đây, bệnh gút chỉ xuất hiện ở nam giới độ tuổi trung niên, tuy nhiên, gần đây bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hiện nay, các loại thuốc tây y có thể giải quyết nhanh được các triệu chứng của bệnh nhưng lại gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy việc kết hợp điều trị bệnh gút theo phương pháp đông – tây y kết hợp đang là xu hướng mới và được nhiều người lựa chọn bởi tính an toàn và có thể sử dụng lâu dài. Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta thấy được những hiệu quả mà đông y mang lại đối với bệnh gút.
Điều trị bệnh gút theo từng giai đoạn
Bệnh gút đã xuất hiện trong từ điển y học cổ truyền từ lâu đời với tên gọi là thống phong. Theo nhiều lương y cho rằng việc điều trị bệnh gút cần chia thành từng giai đoạn cụ thể vì ở mỗi giai đoạn sẽ kèm theo nhiều triệu chứng khác nhau, như vậy sẽ đạt được hiệu quả tối ưu hơn.
Giai đoạn đầu: Giai đoạn này chỉ phát hiện ra tăng nồng độ axit uric trong máu. Lúc này, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình để kiểm soát nồng độ acid uric trong cơ thể trở về ngưỡng bình thường.
Giai đoạn cấp tính: Khi ngón chân cái đột ngột sưng, nóng, đỏ đau kèm theo sốt, khát nước, miệng khô, tiểu vàng đó là biểu hiện của cơn gút cấp tính do tinh thể muối urat lắng đọng ở các khớp gây nên. Đối với thể cấp tính chủ yếu là dùng phép thanh nhiệt, thông lạc, khu phong trừ thấp để giải quyết các triệu chứng do bệnh gút gây ra. Như bài thuốc Bạch Hổ Gia Quế Chi Thang, bao gồm các vị: Thạch cao 50g, tri mẫu 12g, quế chi 5g, bạch thược 12g, xích thược 12g, ngân diệp 25g, phòng kỷ 10g, mộc thông 10g, hải đồng bì 10g, cam thảo 8g. Đem các vị thuốc trên sắc uống ngày 1 thang, trong thời gian sưng nóng đỏ.
Giai đoạn mạn tính: Đây là giai đoạn bệnh xuất hiện đã lâu và kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Các triệu chứng thường thấy là viêm đa khớp, các khớp sưng to trong thời gian dài, cứng khớp. Tại các khớp ảnh hưởng không nóng đỏ nhưng lại đau nhiều và kèm theo da tím sạm, xuất hiện các cục tophi và có tổn thương thận. Giai đoạn này việc điều trị trở nên khó khăn vì thường kèm theo các chứng đàm thấp, ứ huyết, hàn ngưng. Vì vậy, tùy chứng mà áp dụng các phép điều trị khác nhau như hóa đàm, trừ thấp, hoạt huyết thông lạc, ôn kinh, tán hàn, bên cạnh đó nên chú ý đến mức độ hư tổn của âm dương, khí huyết, can thận để bồi bổ.
Ở giai đoạn này người bệnh nên tham khảo bài thuốc Ô Đầu Tế Tân Thang, bao gồm: ô đầu 5g, tế Tân 5g, đương qui 12g, xích thược 12g, uy linh tiên 10g, thổ phục linh 16g, tỳ giải 12g, ý dĩ 20g, mộc thông 10g, quế chi 5g. Sắc uống mỗi ngày 1 tháng.
Để điều trị lâu dài, cho dù ở giai đoạn nào cũng như đang áp dụng các phương pháp nào thì người bệnh cũng cần phải cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị. Đặc biệt quan trọng hơn nữa là bệnh nhân cần tuân thủ theo chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Trúc Lam