Bệnh gút thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 40 - 60. Với phụ nữ, tỷ lệ mắc bệnh gút rất thấp, thường xuất hiện sau khi mãn kinh. Nguyên nhân của bệnh gút là do sự tăng cao nồng độ axit uric trong máu mà không được đào thải ra ngoài bằng nước tiểu một cách kịp thời. Khi đó, acid uric sẽ kết hợp với các ion kim loại trong cơ thể tạo thành tinh thể muối urat, lắng đọng ở các khớp xương, các gân, mô, bao khớp và dẫn đến sự viêm, sưng tấy cũng như đau nhức. 3/4 số người bị gút vừa bị sưng ở ngón chân cái, vừa bị đau ở các khớp xương khác như đầu gối, mắt cá cổ chân, cổ tay, ngón tay hay khuỷu tay.
Sự rối loạn chuyển hóa purin gây tăng axit uric trong máu thường còn kèm theo nhiều rối loạn chuyển hóa khác như rối loạn lipid máu, rối loạn đường máu, tăng huyết áp, suy giảm chức năng gan, sỏi thận, suy thận. Và bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, hẹp lòng động mạch do xơ vữa động mạch, phẫu thuật, các bệnh lý và tổn thương nặng, đột ngột, ít vận động cũng làm tăng axit uric máu...
Tuổi càng cao thì việc điều trị bệnh gút càng có nhiều bất lợi, bởi vì chức năng gan thận đều suy giảm. Một khó khăn khá phổ biến trong điều trị gút nói chung và với người cao tuổi nói riêng, đó là là lựa chọn thuốc phù hợp, bởi người cao tuổi rất dễ quên thuốc hoặc quá liều, nên chỉ dùng thuốc khi bị cấp tính, sau đó ngưng thuốc trong khi bệnh gút vẫn âm thầm tiến triển. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau chống viêm đặc hiệu là colchicin lại có tác dụng phụ là gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến dạ dày và không dùng được cho những bệnh nhân bị suy gan, suy thận, bệnh nhân có cơ địa dị ứng. Hơn nữa nếu dùng quá liều thì dễ gây ngộ độc, rất nguy hiểm, vì vậy, người dùng có thể e ngại mỗi khi dùng thuốc. Bên cạnh đó, bệnh Gut dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, trong khi việc điều trị không giống nhau, từ đó có thể đưa đến các tác dụng không mong muốn, thậm chí bệnh gút vẫn tồn tại. Ngoài ra, có một số người bị bệnh gút nhưng không lường hết các biến chứng có thể gây ra nên chủ quan, khi bị cơn cấp tính thì lo lắng nhưng sau đó lại sinh hoạt, ăn uống không kiêng khem đúng mức làm cho bệnh ngày càng nặng thêm. Chính vì thế khi có dấu hiệu đau nhức mỏi khớp, chúng ta nên đi thăm khám và xét nghiệm sớm để ra đúng bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp, tránh để tình trạng bệnh nặng lên.
bông tuyết