Axit uric là gì? 

Axit uric là một sản phẩm chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, nhân của nó sẽ bị phá hủy và chuyển hóa thành axit uric. Đây được coi là nguồn axit uric nội sinh. Ngoài ra, những thức ăn có nguồn gốc từ động vật như nội tạng, thịt đỏ, hải sản,… cũng chứa nhân tế bào, khi được đưa vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric. Khoảng 80% axit uric trong cơ thể được đào thải nhờ thận thông tin qua nước tiểu và 20% còn lại được đào thải qua da nhờ quá trình tiết mồ hôi.

Trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, khi nguồn tạo ra axit uric quá nhiều nhưng thải ra ít thì sẽ làm chúng giữ lại trong máu và lắng đọng tại các mô khớp. Khi lắng đọng tại khớp, chúng sẽ hình thành cơn đau gút. Ngoài ra, axit uric lắng đọng ở tim còn gây ra các vấn đề về tim mạch, tích tụ ở thận gây ra suy thận và lắng đọng ở đường tiết niệu dẫn tới việc hình thành sỏi.

Chỉ số axit uric trong máu được coi là cao khi vượt quá 420µmol/l với nam giới và 360µmol/l với nữ giới. Khi vượt quá chỉ số này thì chứng tỏ bạn đang bị tăng axit uric máu và cần phải có kế hoạch để kiểm soát nồng độ này một cách hiệu quả.

Nguyên nhân tăng axit uric máu

Axit uric máu tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm cho cơ thể. Axit uric máu tăng được xác định bởi các nguyên nhân sau:

-  Có vấn đề về thận: Nồng độ axit uric cao hơn xảy ra khi thận hoạt động không hiệu quả. Điều này có thể là do chức năng thận đang bị rối loạn. Đây chính là lý do tại sao các bác sĩ thường yêu cầu người bị tăng axit uric máu phải kiểm tra thận định kỳ.

-  Chế độ ăn giàu purin: Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhân purin như: Thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật có thể là nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric máu.

- Sử dụng nước ngọt chứa fructose: Lượng fructose cao trong thức ăn và đồ uống sẽ làm tăng sản xuất purin. Ngoài ra, fructose còn cạnh tranh bài tiết với axit uric. Chính vì vậy, uống quá nhiều nước ngọt đóng chai cũng là lý do khiến bạn bị tăng axit uric và có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn.

- Do di truyền: Ở một số người, bệnh gút không đến từ thói quen ăn uống hay sinh hoạt hàng ngày mà do gen, khiến cơ thể họ sản xuất lượng axit uric cao hơn bình thường.

Nên làm gì để giảm axit uric máu?

Axit uric máu cao không chỉ là nguyên nhân gây ra cơn đau gút mà nó còn kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác cho sức khỏe. Kiểm soát tốt nồng độ axit uric được xem là cách duy nhất để kiểm soát bệnh gút và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Một số thay đổi nhỏ trong chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày có thể giúp ích cho bạn. Những thay đổi này bao gồm:

- Hạn chế thực phẩm giàu purin: Thực phẩm giàu purin bao gồm một số loại thịt, nội tạng động vật, hải sản và rau. Tất cả các thực phẩm này tạo ra axit uric khi chúng được tiêu hóa.

- Tránh thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường: Bánh kem, bánh ngọt hay đồ uống có đường như soda, nước ép trái cây tươi là những thực phẩm người bị bệnh gút cần tránh. Luôn nhớ xem nhãn của từng loại thực phẩm xem chúng có chứa đường fructose hay không trước khi sử dụng.

- Uống nhiều nước hơn: Uống nhiều nước giúp thận đào thải axit uric nhanh hơn. Hãy uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để kiểm soát axit uric và phòng ngừa bệnh gút tốt hơn.

- Ăn nhiều rau xanh, chất xơ: Chất xơ sẽ giúp cơ thể loại bỏ axit uric. Chất xơ cũng có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu và mức insulin. Hãy bổ sung thêm rau vào chế độ ăn uống hàng ngày để kiểm soát nồng độ axit uric máu và ngăn ngừa nguy cơ cơn đau tấn công.