Sử dụng thuốc tây chữa bệnh gút là phương pháp được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc tây y để hỗ trợ điều trị bệnh gút liệu mang đến hiệu quả không? Dùng thuốc tây trong thời gian dài ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? Nếu bạn đang băn khoăn về vấn đề này, hãy tìm hiểu thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Bệnh gút là gì?
Gút là tình trạng viêm khớp với biểu hiện điển hình là sưng, đỏ ở các khớp nhỏ trên cơ thể như: Khớp ngón chân cái, khớp ngón tay,… Khi tiến triển sang giai đoạn nặng, bệnh có thể gây đau tại nhiều khớp cùng một lúc. Tình trạng này được gọi là đau gút đa khớp.
Nam giới là đối tượng dễ mắc bệnh gút hơn so với nữ giới, đặc biệt ở đối tượng từ 30 đến 60 tuổi. Với xu hướng phát triển ngày nay, thói quen ăn uống và sinh hoạt thay đổi kéo theo sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh gút ngày càng trẻ hóa.
Bệnh gút xảy ra liên quan tới sự rối loạn chuyển hóa của axit uric trong cơ thể. Axit uric trong máu được xem là một sản phẩm phụ của quá trình phân hủy purin. Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và được thận đào thải ra ngoài thông qua quá trình bài tiết nước tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc thận bị suy giảm chức năng khiến quá trình đào thải axit uric không được thuận lợi, khiến chúng tích tụ trong máu, lâu dần tạo thành tinh thể muối urat hình kim lắng đọng tại khớp và gây đau đớn.
Các loại thuốc tây chữa bệnh gút phổ biến
Mục tiêu trước mắt trong điều trị bệnh gút là ức chế viêm, kiểm soát cơn đau và giảm axit uric trong máu để ngăn ngừa bệnh tái phát. Các loại thuốc người bị bệnh gút thường được chỉ định dùng là:
- Thuốc chống viêm không steroid NSAIDs: Các loại thuốc NSAIDs thường được sử dụng là: Ibuprofen 800mg 3 - 4 lần mỗi ngày hoặc indomethacin 25 - 50mg 4 lần mỗi ngày.
- Colchicine: Colchicine tiêm tĩnh mạch có độc tính (nghiêm trọng) và có tác dụng phụ, vì vậy chỉ nên sử dụng đường uống. Colchicine uống liều cao thường có tác dụng kém. Liều thấp được công nhận là có tác dụng tốt hơn và nên được sử dụng kết hợp cùng với NSAIDs.
- Corticosteroid: Corticosteroid là lựa chọn tiếp theo nếu người bệnh thuộc nhóm chống chỉ định với NSAIDs. Corticosteroid có thể được dùng để tiêm vào khớp bị ảnh hưởng hoặc dùng qua đường uống.
- Probenecid: Probenecid hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu axit uric ở thận. Probenecid có thể dẫn đến tăng kết tủa hình thành sỏi thận nên người bị gút thường được khuyến khích uống nhiều nước.
- Allopurinol: Allopurinol là một hoạt chất dễ dung nạp, thường được dùng để giảm axit uric. Allopurinol thường được sử dụng với liều thấp khi mới bắt đầu sử dụng.
- Febuxostat: Febuxostat là một hoạt chất ức chế xanthine oxidase - enzyme đóng vai trò lớn trong việc chuyển hóa axit uric. Vì vậy, thuốc thường được dùng để giảm axit uric trong máu.
- Pegloticase: Pegloticase thường được tiêm qua đường tĩnh mạch. Bệnh nhân nên được điều trị dự phòng trong trường hợp có phản ứng dị ứng với steroid, thuốc kháng histamin, đồng thời được theo dõi chặt chẽ sự tiến triển của phản ứng truyền dịch.
Dùng thuốc tây chữa bệnh gút có hiệu quả không?
Dùng thuốc tây là phương pháp được áp dụng rộng rãi để kiểm soát bệnh gút. Nếu cơn đau xuất hiện thì việc sử dụng thuốc tây có thể làm giảm đau, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Với các loại thuốc hạ axit uric máu cũng mang đến hiệu quả tương tự.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tây trong thời gian dài lại tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn cho cơ thể. Các tác dụng phụ thường gặp của những loại thuốc tây chữa bệnh gút là:
- Ảnh hưởng tới gan, thận: Sử dụng thuốc tây điều trị gút trong thời gian dài, liên tục có thể gây ảnh hưởng tới chức năng gan, thận. Điều này khiến bệnh càng có cơ hội tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn.
- Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón là tác dụng phụ mà hầu hết người bị bệnh gút gặp phải khi sử dụng thuốc tây.
- Nổi mẩn ngứa ngoài da: Đây là những tác dụng phụ dễ gặp phải khi sử dụng thuốc hạ axit uric máu.
- Đau, chảy máu khi đi tiểu hoặc có các triệu chứng giống như bị cúm: Tình trạng này thường hết khi đợt điều trị kết thúc. Tuy nhiên, nếu thấy triệu chứng nặng, bạn không nên xem thường mà cần ngừng thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.
- Đau dạ dày: Hầu hết các loại thuốc tây điều trị bệnh gút có thể làm tăng acid dịch vị gây những cơn đau dạ dày.