10 năm trở lại đây, khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển, bệnh Goutte (gút) đã trở nên rất phổ biến, ở cả thành thị và nông thôn, vươn lên đứng hàng thứ 4 trong số 15 bệnh khớp nội trú thường gặp nhất. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng do bệnh gút gây ra: liên quan đến tổn thương xương khớp (hủy hoại khớp, đầu xương, làm bệnh nhân tàn phế. Các hạt tophi bị loét vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết), liên quan tổn thương thận (sỏi thận, thận ứ nước, ứ mủ, suy thận, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...), liên quan đến chẩn đoán nhầm (bệnh thường chẩn đoán nhầm với viêm khớp nhiễm khuẩn, và được điều trị bằng rất nhiều các loại kháng sinh khác nhau, và có nguy cơ dị ứng thuốc kháng sinh, thậm chí có thể gây tử vong. Một trong những chẩn đoán nhầm khác là viêm khớp dạng thấp. Từ đó dẫn đến điều trị tràn lan bằng các thuốc chống viêm không steroid, prednisolon, dexamethason, với hậu quả là biến chứng lao, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, tăng huyết áp) và liên quan đến tai biến do dùng thuốc (ngay cả khi chẩn đoán đúng việc điều trị gút cũng có thể gây nên tai biến. Các thuốc chống viêm không steroid có thể gây tổn thương nhiều cơ quan như máu, thận, tiêu hóa, dị ứng).
Những khó khăn trong điều trị bệnh gút
Có 3 khó khăn chính khi điều trị bệnh gút. Đầu tiên là tác dụng phụ của một số thuốc chữa bệnh gút như colchicin có thể gây tiêu chảy, allopurinol gây dị ứng, các thuốc tăng thải acid uric có thể gây sỏi thận. Thứ hai là cơ địa dị ứng thuốc của bệnh nhân. Có bệnh nhân gút bị dị ứng với nhiều thuốc chữa gút như colchicin và allopurinol. Một số trường hợp xảy ra sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Thứ ba là do sự thiếu tuân thủ điều trị của người bệnh. Bệnh nhân gút thường chỉ dùng thuốc trong đợt cấp rồi bỏ thuốc, dẫn đến bệnh vẫn tiến triển nặng dần. Một số bệnh nhân lạm dụng thuốc corticoid dẫn đến tác dụng phụ đáng tiếc như xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục ăn nhậu quá mức, và sinh hoạt không điều độ, do vậy bệnh vẫn có nguy cơ tái phát. Nói chung những người mắc bệnh gút rất hay bị dị ứng thuốc, do đó cần thận trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì, kể cả thuốc Đông y và Tây y. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
Các nguyên tắc điều trị bệnh gút
Bệnh nhân gút phải xác định tư tưởng điều trị lâu dài, tránh bỏ thuốc khi bệnh thuyên giảm. Khi đó mới có thể giữ bệnh khỏi tái phát trong thời gian dài. Bệnh nhân gút cần tích cực hợp tác với bác sĩ trong việc điều trị, ngăn ngừa biến chứng bệnh bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt và thuốc men. Các thuốc thường dùng điều trị bệnh gút là colchicin, allopurinol (zyloric), benémid, các thuốc chống viêm không stéroid...Tuy nhiên đây là những thuốc có khá nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khi sử dụng lâu dài. Do vậy, trong quá trình sử dụng, khi xuất hiện bất kì biểu hiện lạ nào của cơ thể, bạn nên thông báo cho bác sỹ điều trị.
Để điều trị có hiệu quả cần thường xuyên kiểm tra acid uric máu và niệu, chức năng thận. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được chẩn đoán và điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường, tăng huyết áp...
Một lựa chọn mới đang được nhiều bác sỹ và bệnh nhân tin tưởng lựa chọn là dùng sản phẩm có nguồn gốc thảo dược phòng ngừa cơn gút cấp. Mà đi đầu cho dòng sản phẩm đó là sản phẩm giúp lợi niệu tống aciduric ra ngoài, đồng thời có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, mạnh gân cốt, ức chế sự lắng đọng các muối urat tại khớp, cái thiện tình trạng bệnh gút và tránh tái phát
Cách phòng tránh bệnh gút và các biến chứng của bệnh
Có thể phòng tránh được bệnh gút bằng việc thực hiện một chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Vì ăn uống bừa bãi là một yếu tố thúc đẩy làm xuất hiện bệnh và làm bệnh tái phát. Các nguyên tắc vệ sinh ăn uống đối với bệnh nhân gút là chế độ ăn giảm đạm, giảm mỡ, giảm cân (nếu béo phì) và uống nhiều nước (khoảng 1,5-2 lít nước/ngày), đặc biệt là nước khoáng kiềm (để tăng cường thải tiết acid uric qua nước tiểu).
Thứ nhất, lượng thịt ăn hằng ngày không nên quá 15g, đặc biệt cần tránh ăn phủ tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi...), các loại thịt đỏ (thịt trâu, bò, chó, dê), các loại hải sản (tôm, cua, cá béo). Có thể ăn trứng, sữa, phomat, thịt trắng như thịt gia cầm, cá nạc.
Thứ hai là nên ăn thêm ngũ cốc, bánh mì trắng.
Thứ ba là ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ, hoa quả.
Thứ tư là cần tránh ăn những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua, uống nước chanh... vì chính những chất chua lại làm bệnh nặng hơn.
Thứ năm là về các đồ uống. Bệnh nhân cần bỏ rượu, kể cả rượu vang, rượu thuốc.
Bệnh nhân gút cần có chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh mọi mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất như tránh lạnh, lao động quá mức, chấn thương, stress... Ngoài ra, bệnh nhân gút cần tránh dùng một số loại thuốc có thể làm tăng acid uric máu như các thuốc lợi tiểu, corticoid, aspirin.
Như Ý- Sưu Tầm