Gút là bệnh mạn tính thường gặp gây ra nhiều đau đớn cho người mắc. Việc điều trị bệnh gút bằng thuốc steroid được sử dụng khá rộng rãi hiện nay. Tuy nhiên, thuốc steroid có thực sự tốt cho người mắc bệnh gút không? Hãy tìm hiểu trong bài viết sau.

Những nguyên nhân gây bệnh gút

Gút là bệnh lý về xương khớp phổ biến gây đau ở các khớp ngón chân, khớp bàn chân, khớp tay,…

Các cuộc tấn công bệnh gút được gây ra bởi sự dư thừa của axit uric trong máu. Axit uric có trong máu và đào thải qua nước tiểu, nhưng ở những người bị bệnh gút, axit uric tích tụ và kết tinh tại khớp. Axit uric là kết quả của sự phân hủy purin - hợp chất được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể và trong một số thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Trong một số trường hợp, bệnh gút hình thành do thận gặp khó khăn trong việc loại bỏ axit uric.

Bệnh gút xảy ra phổ biến nhất ở ngón chân cái vì axit uric nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ. Ở nhiệt độ lạnh hơn, axit uric biến thành tinh thể. Tuy nhiên, bệnh gút có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể như khớp bàn tay, mắt cá chân, khuỷu tay,…

Xu hướng tích lũy axit uric thường được di truyền. Các yếu tố khác khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh gút khác, bao gồm: Huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, phẫu thuật, hóa trị liệu, căng thẳng và một số loại thuốc, vitamin khác. Mặc dù bệnh gút phổ biến hơn ở nam giới từ 40 - 60 tuổi, nhưng nó có thể xảy ra ở người trẻ tuổi cũng như phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh.

Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có chứa hàm lượng purin cao cũng có thể kích hoạt cơn gút cấp. Một số thực phẩm chứa nhiều purin hơn những loại khác và có liên quan đến sự gia tăng axit uric, dẫn đến bệnh gút.

Điều trị bệnh gút bằng thuốc steroid có an toàn không?

Thuốc steroid thường được sử dụng trong điều trị bệnh gút. Tuy nhiên, nhiều người vẫn luôn băn khoăn vì không biết loại thuốc này có giúp mang tới hiệu quả và an toàn cho sức khỏe hay không.

Để tìm ra câu trả lời, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để so sánh thuốc steroid với thuốc điều trị viêm khớp indomethacin – một loại thuốc được sử dụng phổ biến.

Nghiên cứu đã theo dõi hơn 400 người bị gút là nam giới ở Hồng Kông có độ tuổi trung bình là 65. Khoảng ½ trong số người tham gia bị huyết áp cao và gần ¾ có tiền sử tái phát cơn gút thường xuyên. Gần 10% đã dùng thuốc giảm axit uric hàng ngày.

Vào thời điểm nghiên cứu, bệnh nhân đã đau gút gần ba ngày. Tất cả được chia thành 2 nhóm và chỉ định ngẫu nhiên: Một nhóm dùng thuốc steroid và nhóm còn lại dùng thuốc indomethacin.

Những người uống indomethacin dùng thuốc với hàm lượng 150 miligam (mg)/ngày trong 2 ngày đầu tiên, sau đó là 75 mg cho 3 ngày tiếp theo. Những người dùng thuốc steroid thì uống 30 mg mỗi ngày, kéo dài trong năm ngày.

Kết quả cho thấy, cả hai phương pháp điều trị đều giúp giảm đau gần như tương đương, cho dù bệnh nhân đang nghỉ ngơi hay hoạt động. Các nhà nghiên cứu cho biết, các tác dụng phụ nhỏ là không thể tránh khỏi nhưng chúng không gây ra vấn đề nghiêm trọng nào.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng, nghiên cứu này đã loại trừ những bệnh nhân có tiền sử xuất huyết tiêu hóa và các nghiên cứu trước đó đã liên kết indomethacin với nguy cơ biến chứng lớn hơn, bao gồm cả khó chịu đường tiêu hóa. Họ cũng cho biết, những phát hiện liên quan đến indomethacin có thể không áp dụng cho các thuốc kháng viêm không chứa steroid, chẳng hạn như ibuprofen và aspirin.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng: “Mỗi bệnh nhân cần tìm hiểu về cơ thể của chính họ để chọn loại thuốc phù hợp nhất, bởi không phải ai cũng phản ứng với cùng một loại thuốc theo cùng một cách giống nhau”.

Những tác dụng phụ của thuốc steroid

Mặc dù nghiên cứu đã chỉ ra những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc steroid trong điều trị bệnh gút không ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nhưng ở một góc độ nào đó, bạn vẫn cần cẩn trọng với những phản ứng có thể xảy ra khi dùng thuốc. Những tác dụng phụ của thuốc steroid có thể kể tới như:

- Gây bệnh loãng xương: Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, bác sĩ sẽ phải kê cho bạn một số loại thuốc giúp bảo vệ xương.

- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Người sử dụng steroid lâu dài dễ mắc bệnh truyền nhiễm do virus bởi steroid là suy yếu hệ miễn dịch.

- Tăng đường huyết: Steroid có thể làm phát triển bệnh tiểu đường. Trong trường hợp bạn dùng steroid thời gian dài, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra đường huyết hàng năm.

- Các vấn đề về da có thể xuất hiện, bao gồm vết thương khó lành, da mỏng hay dễ bầm.

- Yếu cơ: Yếu cơ có thể xảy ra, tuy nhiên, sau khi ngừng sử dụng steroid, tình hình các cơ sẽ được cải thiện.

- Dễ loét dạ dày hay tá tràng. Nếu bạn cảm thấy khó tiêu hay đau bụng, hãy nói với bác sĩ.

Hoàng Anh