Việc sử dụng một số loại thuốc tây để điều trị các bệnh khác trong một khoảng thời gian dài hoặc không đúng liều lượng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nồng độ axit uric máu tăng cao, gây bệnh gút thứ phát. Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh cần được sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Các loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút

Có khoảng 20 loại thuốc có thể gây bệnh gút thứ phát và hơn 70 loại thuốc khác cũng được nghi ngờ là thủ phạm gây nên căn bệnh này. Có thể kể ra một số nhóm thuốc điển hình như:

Thuốc lợi tiểu

Hầu hết các thuốc lợi tiểu đều có khả năng làm tăng axit uric trong máu do giảm thải axit uric qua ống thận, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút hoặc khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bệnh nhân mắc bệnh tim và bệnh thận cũng thường xuyên phải dùng các thuốc lợi tiểu. Các cơn gút cấp thường xảy ra sau nhiều năm dùng thuốc lợi tiểu, do vậy, khi nồng độ axit uric máu ở bệnh nhân sử dụng các thuốc này vượt quá 420 µmol/l thì cần phải giảm liều nếu như tình trạng lâm sàng của họ cho phép.

Aspirin

Đây là một dẫn xuất của axit salicylic, thuộc nhóm chống viêm non-steroid. Trước đây, aspirin được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm khớp, mặc dù thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ đối với đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày và xuất huyết tiêu hóa. Ngày nay, aspirin với liều thấp được sử dụng trong chống ngưng kết tiểu cầu, dự phòng các biến chứng tắc mạch do huyết khối và tác dụng hạ sốt chống viêm. Tuy nhiên, liều thấp aspirin (ít hơn 2g/ngày) lại là nguyên nhân kinh điển gây ra bệnh gút thứ phát. Ở liều cao trên 2g/ngày, aspirin lại có tác dụng tăng thải axit uric ra ngoài nhưng sử dụng với liều cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh thậm chí gây tử vong ở người lớn với liều 20g.

Corticoid

Trên thực tế các thuốc chứa corticoid có thể giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng của bệnh về khớp nhưng về lâu dài lại gây ra nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, tiểu đường và bệnh gút. Nguyên nhân gây ra bệnh gút là do corticoid cạnh tranh thải tiết với axit uric ở ống thận, dẫn đến tăng nồng độ axit uric máu, làm các tinh thể muối kết tinh trong khớp gây ra cơn gút cấp.

Thuốc chống lao

Phác đồ chống lao thường phải kết hợp với nhiều loại thuốc như streptomycin, rifampicin, pyrazinamid, ethambutol… Trong đó, ethambutol có thể gây bùng phát cơn gút cấp sau vài tuần dùng thuốc do giảm thải tiết axit uric máu, pyrazinamid cũng gây tăng axit uric máu.

Các thuốc khác

Có khoảng 50% bệnh nhân bị tăng axit uric máu khi sử dụng thuốc cyclosporin trong vòng 18-24 tháng, và những bệnh nhân ghép thận hay ghép tim phải dùng loại thuốc này thì các đợt gút cấp xuất hiện khoảng 5-30%. Một số thuốc cũng có nguy cơ gây ra bệnh gút thứ phát như omeprazol, furosemid. Ngoài ra, một số loại thuốc hóa trị cho ung thư, đặc biệt ung thư máu dòng tủy cũng làm gia tăng sự phá hủy tế bào, tăng sản xuất axit uric máu, do đó có thể gây nên các cơn gút cấp.

Hương Giang