Vào những dịp tết là dịp mọi người quây quần ăn uống sum họp, vui vẻ bên nhau. Thế nhưng ngày này lại là mùa khốn khổ cho các bệnh nhân bị gút đã, đang và chưa phát hiện được bệnh. Do những người này phải kiêng dè trong chế độ ăn uống.
Vào những ngày cận tết này, mọi người đều phải hối hả. Có những người hối hả hoàn thành công việc trong năm, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị thức ăn cho mấy ngày tết. Trong nhịp sống hối hả đó, người ta cũng còn phải cố gắng dành thời gian để tranh thủ tham gia các bữa tiệc tất niên. Đây là phần sôi động nhất, vui nhất của một mùa tết. Và dù cho thành công hay thất bại gì đi nữa thì mọi người đều ăn tất niên, ăn nhậu một cách nhiệt tình dường như để tống tiễn năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới.
Trong số những người tham gia tất niên, sau một bữa tiệc linh đình với bia bọt và đủ thứ mồi nhậu, tự nhiên tối hôm đó hay ngày hôm sau họ cảm thấy đau dữ dội ở ngón chân cái, có người đau ở cổ chân hay gối. Có người tệ hơn là ngoài cơn đau còn bị sưng các khớp nhất là khớp gối và cổ chân. Cơn đau dữ dội tới mức chỉ cần cơn gió thổi qua hay chiếc chăn đắp ấm mỗi tối cũng là cho họ thấy đau đớn.
Dĩ nhiên có bệnh thì phải đi khám, khi khám xong lại nghe bác sĩ giải thích rằng anh đã bị bệnh gut, cần kiêng ăn nhậu, kiêng các thứ nhiều đạm như hải sản, thịt, đậu… Trời đất như sụp đổ dưới chân vì cứ nghĩ tới việc mấy ngày tết được nghỉ ngơi, bà xã làm bao nhiêu là món ngon. Bạn bè đã lên lịch sẵn sàng “chiến đấu”, mà lại được “chiến đấu” trong sự cho phép của bà xã nữa, vậy mà... Tình cảnh có vẻ...chết còn sướng hơn.
Bệnh gút (gout tiếng Anh hay goutte tiếng Pháp) là bệnh nằm trong nhóm bệnh lắng tụ tinh thể (crystalline deposition disease), mà cụ thể ở đây là lắng tụ tinh thể monosodium urate ở bao khớp, gân do tình trạng acide urique tăng cao trong máu… gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên tức là viêm các khớp chân tay đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái, tình trạng viêm này là do các con bạch cầu được ví như các lính chiến đấu trong cơ thể đi dọn dẹp các tinh thể này.
Tình trạng viêm này có thể tái đi tái lại nhiều lần gây ra biến dạng khớp nếu không điều trị. Không phải tất cả những người có acide urique cao trong máu là bị cơn gút, tuy nhiên nếu nồng độ acide urique trong máu cao và kéo dài càng lâu thì càng có nguy cơ bị gút.
Sở dĩ bệnh có tên là gút là vì các bác sĩ ngày xưa thấy ở những bệnh nhân này hay mọc ra các cục ở khuỷu, gối, ngón chân hay cá hiình tròn tròn dài dài như giọt nước (chữ gout hay goutte có nghĩa là giọt chất lỏng)
Thế tại sao lại bị tăng acide urique trong máu? Đó là do thận không thải được acide urique hoặc do cơ thể tạo ra quá nhiều (do ăn uống, do bịnh lý như ung thư máu dạng lim phôm, thiếu máu tán huyết, vảy nến..) hoặc do bất thường trong chu trình tạo ra acide này.
Bệnh sẽ biểu hiện bằng các cơn đau ở các khớp, khớp có thể bị sưng to đỏ có thể có nước trong khớp đặc biệt là ngón chân cái (khớp bàn ngón) hay bị nhất tuy nhiên các khớp khác đều có thể bị, cơn đau rất nặng được mô tả dữ dội và nhiều khi bệnh nhân không dám đắp mền vì chỉ cần chạm nhẹ vào cũng gây ra cơn đau dữ dội, cơn gút hay xảy ra sau 1 chấn thương nhẹ, sau bữa nhậu linh đình.
Cơn gút có thể xảy ra vài ngày hoặc vài tuần và có thể tự bớt, nhưng nếu không điều trị những cơn này sẽ xuất hiện thường hơn và gây ra biến dạng hủy khớp gây tàn phế.
Đẩy lui cơn gút cấp
Khoảng 20 % bệnh nhân bị gút bị sỏi thận do chính tinh thể urate lắng tụ gây ra sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu có thể gây suy chức năng thận, nhiễm trùng tiểu… có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. Một số bệnh nhân có các cục ở dưới da như vùng khuỷu, mắt cá .. gọi là cục tophi là do lắng tụ tinh thể urate khi bể ra làm chảy ra 1 chất bột trắng giống như phấn.
Để chẩn đoán bệnh gút các BS sẽ cho bạn đi thử nồng độ acide urique trong máu và tùy theo thông số của mỗi loại máy thử mà cho các con số khác nhau, bình thường nhỏ hơn 7mg/dL tuy nhiên cơn gút khá đặc trưng nên đôi khi có thể chẩn đoán được chỉ qua hỏi bệnh sử và khám bệnh nhân vì nồng độ acide urique trong máu cao giúp chẩn đoán nhưng không chuyên biệt.
Chúng tôi đã từng gặp nhiều bệnh nhân thử kết quả acid uric ra bình thường (vì có thể đã uống thuốc trước đó) nhưng gối vẫn bị sưng và khi nội soi gối thấy các tinh thể acid uric lắng tụ đầy bên trong khớp và gây viêm màng bao khớp gối (xin xem đoạn video kèm theo). Nếu lấy dịch khớp đem soi dưới kình hiển vi để thấy các tinh thể urate hình kim là chắc chắn nhất nhưng ít được làm vì nhiều lí do khác nhau.
Tuy nhiên không nên quá hạn chế ăn uống vì thuốc có thể kiểm soát nồng độ acide urique trong máu. Theo dõi nồng độ acide này định kỳ. tuy nhiên cũng không nên quá sức kiêng cữ vì có thể dùng thuốc để tăng tốc độ thải trừ acid uric, thế nhưng cũng không nên ăn uống quá mức.
Bệnh tiến triển ra sao và có thể chữa khỏi hay không? Thường thì cơn gút có thể bị đẩy lui bằng các thuốc hiện có và nếu bệnh nhân chịu theo cuộc điều trị và chấp nhận ăn kiêng thì có thể ngăn chặn được bệnh nhưng nên nhớ rằng đây là loại bệnh không thể chữa dứt nghĩa là bệnh nhân phải chấp nhận chế độ ăn kiêng và theo dõi bệnh suốt đời.
Nếu không điều trị hoặc để cơn gút xảy ra nhiều lần sẽ gây hủy khớp gây tàn phế lúc đó cần đến các phẫu thuật tái tạo lại khớp.
Vai trò của nội soi khớp là làm sạch khớp, cắt bớt bao hoạt dịch của khớp khi bị viêm nhiều lần gây dày, hạn chế vận động của khớp. Một khi khớp bị hư hoàn toàn thì có thể thay khớp bằng khớp nhân tạo.
Việc điều trị bênh gout bao gồm đẩy lui các cơn gút cấp, ngăn ngừa các cơn gút xảy ra bằng các loại thuốc như colchicine, kháng viêm giảm đau, thuốc ức chế sự hình thành acide urique chế độ ăn kiêng các loại thực phẩm có quá nhiều đạm như đồ biển, gan, thận, rượu bia… uống nhiều nước và kiềm hóa nước tiểu bằng natri bicacbonat ( sodium bicarbonate).
Mấy ngày xuân mà không bia bọt thì cũng buồn. bia bọt, nhậu nhẹt mà để xảy ra cơn gút cấp thì càng buồn hơn. Vậy nên những ai đã lỡ bị bệnh này thì nên kiểm tra nồng độ acid uric trong máu, nhớ dùng thuốc đều đặn và chỉ nên vài chén hay vài lon cho vui chứ đừng quá chén rồi lại hối hận vì mất tết.
Bông tuyết.