Theo các chuyên gia, axit uric trong máu cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh gút. Tuy nhiên, nhiều người vẫn luôn thắc mắc: Axit uric máu cao có nguy hiểm không và nó còn gây ra những bệnh lý nào khác cho cơ thể? Nếu đang có những băn khoăn này thì mời bạn tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau.

Axit uric máu là gì?

Axit uric là một chất thải bình thường của cơ thể. Nó hình thành khi hợp chất purin bị phá vỡ. Purin được tìm thấy trong cơ thể, chúng cũng có nhiều trong các loại thực phẩm như: Gan, động vật có vỏ, thịt đỏ, bia... Purin cũng có thể được hình thành trong cơ thể khi DNA bị phá vỡ.

Khi purin bị phân hủy thành axit uric, cơ thể sẽ loại bỏ nó nhờ thận thông qua quá trình bài tiết nước tiểu. Nhưng nếu cơ thể sản sinh ra quá nhiều hoặc thận của bạn không hoạt động tốt, nó có thể tích tụ trong máu và gây ra cơn đau gút cấp tính. Chỉ số axit uric trong máu được coi là cao khi vượt quá 420µmol/l với nam giới và 360µmol/l với nữ giới. Nồng độ axit uric cũng có thể tăng khi bạn ăn quá nhiều thực phẩm chứa hàm lượng purin cao hoặc dùng các loại thuốc như: Thuốc lợi tiểu, aspirin và niacin. 

Axit uric trong máu cao có nguy hiểm không?

Axit uric máu cao ít gây nguy hiểm ngay lập tức tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt, nó có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu đang có nồng độ axit uric máu cao thì bạn sẽ phải đối mặt với những bệnh lý sau:

- Bệnh gút: Như nhiều người đã biết, tăng axit uric máu là một trong những yếu tố nguy cơ rõ ràng cho sự hình thành bệnh gút. Tuy nhiên, đây không phải tiêu chuẩn duy nhất để chẩn đoán bệnh gút, còn các dấu hiệu đi kèm khác đó là sự lắng đọng axit uric và gây tổn thương ở khớp hay những tổ chức khác.

- Suy thận mạn tính: Một trong những đặc điểm cơ bản của hầu hết các bệnh nhân bị suy thận mạn tính đó chính là nồng độ axit uric trong máu luôn ở mức cao.

- Bệnh sỏi thận: Đây cũng được coi là một biến chứng của bệnh gút. Bệnh thường có biểu hiện bằng cơn đau quặn thắt ở thận, đau tại hông lưng lan xuống bẹn, cơ quan sinh dục, có thể tiểu ra máu… 

- Tăng huyết áp: Người bị tăng axit uric có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với những người bình thường. Thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp tiên phát không được điều trị có nguy cơ tăng axit uric máu chiếm từ 25 - 60%. 

- Các bệnh liên quan tới tế bào mạch máu: Với các bệnh lý mạch máu, nồng độ axit uric trong máu tăng cao ảnh hưởng đến chức năng của lớp tế bào nội mạc mạch máu, kích thích giải phóng gốc tự do, hoạt hóa chất trung gian của quá trình viêm, gây tăng kết tụ tiểu cầu, tạo các vi huyết khối, những phản ứng viêm mạn tính và về lâu dài sẽ làm tổn thương thành mạch.

- Bệnh tim mạch: Axit uric tăng cao cũng là yếu tố có giá trị tiên lượng xuất hiện các biến cố tim mạch ở bệnh nhân suy tim, bệnh lý mạch vành.

- Các bệnh lý khác: Tăng axit uric máu cũng có liên quan đến các bệnh lý mạch ngoại vi, mạch cảnh, tiền sản giật và chứng sa sút trí tuệ. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh, việc điều trị hạ axit uric góp phần ngăn ngừa hoặc giảm sự tiến triển của các bệnh lý này trên thực nghiệm và lâm sàng.

Nên làm gì để giảm axit uric máu?

Axit uric máu cao kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác cho sức khỏe. Kiểm soát tốt nồng độ axit uric được xem là cách duy nhất để kiểm soát bệnh gút và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Một số thay đổi nhỏ trong chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày có thể giúp ích cho bạn. Những thay đổi này bao gồm:

- Hạn chế thực phẩm giàu purin: Thực phẩm giàu purin bao gồm một số loại thịt, nội tạng động vật, hải sản và rau. Hãy tránh xa những thực phẩm này nếu không muốn tình trạng axit uric máu ngày càng nghiêm trọng hơn.

- Tránh thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường fructose: Đường fructose có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế những thực phẩm nhiều đường như: Nước ngọt, bánh ngọt, kem... Hãy nhớ xem nhãn của từng loại thực phẩm xem chúng có chứa đường fructose hay không trước khi sử dụng.

- Uống nhiều nước hơn: Nước giúp thận đào thải axit uric nhanh hơn. Hãy uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để kiểm soát axit uric và phòng ngừa các bệnh lý liên quan tốt hơn.

- Ăn nhiều rau xanh, chất xơ: Chất xơ sẽ giúp cơ thể loại bỏ axit uric. Chất xơ cũng có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu và mức insulin. Hãy bổ sung thêm rau vào chế độ ăn uống hàng ngày để kiểm soát nồng độ axit uric máu và ngăn ngừa nguy bệnh gút tấn công.