Chỉ số axit uric cao là nguyên nhân trực tiếp gây cơn đau gút. Tuy nhiên, có phải cứ chỉ số axit uric máu cao là được chẩn đoán bị bệnh gút? Nếu đang có những băn khoăn này thì bạn hãy dành 3 phút đọc ngay bài viết sau để tìm cho mình câu trả lời chính xác nhất.

Chỉ số axit uric là gì?

Axit uric là một hoạt chất do cơ thể tạo ra trong quá trình chuyển hóa các nhân purin. Trong cơ thể con người, axit uric máu được sản sinh từ 2 nguồn là: Nội sinh và ngoại sinh. Nguồn axit uric nội sinh được hình thành do nhân của tế bào đã chết bị phá hủy. Axit uric ngoại sinh được đưa vào cơ thể do người bệnh ăn quá nhiều các thực phẩm giàu purin như: Thịt, cá, hải sản, nội tạng động vật,…

 Axit uric là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gút

Axit uric là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gút

Thông thường, axit uric được đào thải tự nhiên 80% qua đường tiết niệu nhờ thận, còn 20% qua đường tiêu hóa và da. Không chỉ riêng ở khớp, axit uric còn dễ đọng lại cả ở tim gây ra bệnh tim mạch, lắng đọng ở thận gây sỏi thận, suy thận và đọng ở đường tiết niệu gây ra bệnh sỏi tiết niệu.

Chỉ số axit uric cao có phải bị gút không?

Bình thường, lượng axit uric trong máu luôn được giữ ổn định ở mức độ cho phép. Thông thường, axit uric luôn giữ ở mức cân bằng giữa quá trình sản sinh và đào thải chất này. Bất kỳ nguyên nhân nào làm mất cân bằng hai quá trình chuyển hóa và đào thải này, chẳng hạn tăng chuyển hóa axit uric hoặc chức năng thận bị kém làm giảm đào thải đều khiến chỉ số axit uric trong máu tăng cao.

 chức năng thận suy giảm làm giảm axit uric máu

Chức năng thận suy giảm làm axit uric máu tăng cao

Chỉ số axit uric trong máu được xem là cao khi vượt qua giới hạn bình thường (trên 420 micromol/l với nam và trên 360 micromol/l với nữ). Chỉ số axit uric trong máu vượt quá ngưỡng cho phép là cơ sở đầu tiên để đánh giá bạn có đang bị bệnh gút hay không. Tuy nhiên, chỉ số axit uric cao không hẳn là bạn đang bị bệnh gút. Để xác định bạn có đang mắc bệnh này hay không, cần dựa trên triệu chứng lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng khác.

Các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh gút là: Người bệnh có cảm nhận về cơn đau dữ dội tại khớp. Đau tăng mạnh về đêm và sáng sớm. Tình trạng đau nhức thường dữ dội nhất trong 2 ngày đầu và giảm dần sau 7 - 10 ngày. Triệu chứng cận lâm sàng thường được thể hiện qua hình ảnh chụp X-quang cho thấy có tinh thể muối urat tại khớp.

Như vậy, nếu chỉ có chỉ số axit uric máu máu cao mà chưa thấy cơn đau gút cấp hoặc chụp X-quang không có tinh thể muối urat tại khớp thì bạn chưa được chẩn đoán mắc bệnh gút mà là chứng tăng axit uric máu. Tuy nhiên, chỉ số axit uric trong máu cao là tiền đề và có thể gây ra cơn đau gút cấp bất cứ lúc nào.

Kiểm soát chỉ số axit uric máu bằng cách nào?

Khi phát hiện chỉ số axit uric trong máu cao, bạn không nên chủ quan mà cần tìm hướng cải thiện càng sớm càng tốt. Với chứng tăng axit uric máu không có triệu chứng, chỉ số axit uric ở mức trung bình, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Cụ thể:

- Điều chỉnh thói quen ăn uống hàng ngày. Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều purin như: Nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản,...

 Người bị bệnh gút nên hạn chế ăn thịt bò

Người bị bệnh gút nên hạn chế ăn thịt bò

- Tránh ăn nhiều đường bởi việc tiêu thụ nhiều đường fructose có thể làm tăng lượng đường trong máu, khiến nồng độ axit uric tăng cao. 

- Uống nhiều nước bởi nó giúp kích thích đi tiểu, làm tăng khả năng đào thải axit uric qua thận. 

- Sử dụng nhiều rượu, bia có thể khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Do đó, bạn cần dừng ngay thói quen này để phòng ngừa và kiểm soát bệnh gút hiệu quả hơn. 

- Tăng cường chất xơ trong bữa ăn như: Trái cây tươi, chuối, cà rốt, hạnh nhân, rau mồng tơi…

- Tập luyện thường xuyên để các khớp dẻo dai. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện ở mức độ vừa phải, không tập quá sức vì sẽ gây tổn thương khớp và khiến cơn đau gút dễ tái phát hơn.