Bệnh gút (hay còn gọi là thống phong) đang ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, từ thói quen ăn uống dư thừa chất và lối sống ít vận động. Song song đó, tình trạng lạm dụng các loại thuốc tây giảm đau chống viêm trong các đợt đau cấp cũng diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, lạm dụng lâu ngày sẽ gây sự nhờn thuốc và nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Nguy hiểm khôn lường từ việc lạm dụng thuốc tây trong điều trị bệnh gút

Các loại thuốc giảm đau được dùng phổ biến trong điều trị bệnh gút đó là colchicine, corticoid, kháng viêm không steroid, … nhưng do sự thiếu hiểu biết hết các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc mà rất nhiều bệnh nhân gút đang phải hàng ngày gánh chịu những hậu quả khôn lường. Trong đó, những biến chứng nặng nề đã được các bệnh vện, phòng khám ghi nhận như suy gan, suy thận, tổn thương tiêu hoá, loãng xương, nghiêm trọng hơn có thể gây chết người hoặc tàn phế vĩnh viễn, trong khi đó căn bệnh chính là bệnh gút thì vẫn ngày càng tiến triển nặng thêm. Cụ thể như một số tác dụng không mong muốn của các loại thuốc được dùng phổ biến như sau:

- Colchicin: Để đạt hiệu quả phải dùng ngay khi khởi phát đợt cấp. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ như nôn, tiêu chảy (xảy ra trước khi giảm triệu chứng đau). Do đó, cần giảm liều khi thuốc đã có hiệu quả và cần thận trọng với người bệnh có bệnh lý về dạ dày, thận, gan, tim, loạn thể tạng máu; không được dùng khi các bệnh này ở mức trầm trọng. Thận trọng khi dùng cho người già, sức yếu, phụ nữ mang thai, nuôi con bú. Không dùng thuốc lâu dài vì có thể gây bệnh về cơ.

- Thuốc kháng viêm corticoid là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới trong nhiều năm qua, hầu hết các cơ quan trên cơ thể người đều có những bệnh lý cần được điều trị với nhóm thuốc này, có thể được điều trị qua đường tiêm, đường uống hoặc dùng tại chỗ như: bôi, xịt, hít, tra mắt... Nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian, các thuốc này có thể góp phần giải quyết tốt một số vấn đề nhất định cho người bệnh. Nhưng việc sử dụng corticoid thường được coi là con dao hai lưỡi, mà cả hai đều hết sức sắc bén. Nếu dùng liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid sẽ gây lệ thuộc thuốc và có thể gây ra rất nhiều các tai biến nguy hiểm cho người bệnh như suy tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn…

- Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid cũng đã được nghiên cứu và cho thấy rằng có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng, suy thận nếu dùng không theo chỉ định của bác sĩ. Với bệnh nhân chỉ tăng acid uric trong máu mà không có triệu chứng, khuyến cáo Hiệp hội Khớp Hoa Kỳ và của Hiệp hội Khớp châu Âu đều không cho phép việc chỉ định điều trị bằng loại thuốc này, trừ một số trường hợp nhất định.

- Thuốc làm giảm nồng độ acid uric máu như allopurinol cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như gây độc cho thận. Khi độ lọc cầu thận giảm thì phải giảm liều hoặc giãn khoảng cách giữa các lần dùng. Nếu không sẽ gây ra phản ứng quá mẫn trầm trọng: sốt cao, hoại tử biểu bì, nhiễm độc viêm gan, suy thận với tỷ lệ tử vong cao (20%), khi dùng phải uống nhiều nước. Allopurinol có thể gây hoại tử gan, viêm mạch hoại tử, loạn thể tạng máu, tụ máu gây phản ứng da độc tính, phát ban, gây rối loạn dạ dày, ruột, sốt, nhức đầu nhưng ít khi xảy ra nếu dùng đúng liều.

Thống kê của Bộ y tế, hơn 60% bệnh nhân khi đến khám đã chuyển sang giai đoạn gút mạn tính có nhiều u cục tophi, kèm theo suy giảm chức năng gan, suy thận, sỏi thận, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, viêm loét dạ dày, tá tràng… Trong đó khoảng 5% đã bị biến chứng nặng như phù nề, giữ nước, loãng xương, các khớp bị phá hủy gây biến dạng khớp, tophi vỡ khiến nhiễm trùng kéo dài…Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc.

Theo nhiều chuyên gia đầu ngành về bệnh gút cũng đã nhận định về việc điều trị bệnh gút hiện nay: “Gút là một bệnh khớp hầu như có thể điều trị được, nhưng đã được điều trị cẩu thả nhất. Điều trị cẩu thả nhất ở đây không phải là không có thuốc tốt để kiểm soát các cơn gút cấp tái phát mà do chủ quan, nhiều bệnh nhân cẩu thả trong dùng thuốc, cẩu thả trong sinh hoạt ăn uống để bệnh tiến triển nặng”.

Bích Phương