Gút là bệnh mạn tính phổ biến trong xã hội hiện đại. Người ta thường biết tới những ảnh hưởng của bệnh gút như: Gây đau đớn, ảnh hưởng tới vận động… Vậy bạn có biết, mắc bệnh gút cũng là một trong những nguyên nhân gây suy giảm thính lực? Cụ thể vấn đề này như thế nào? Mời bạn tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau!

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút là một dạng viêm khớp gây ra những cơn đau dữ dội, đột ngột, đau đỏ, sưng viêm ở một số vị trí của các khớp, thường là ở ngón chân cái. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một khớp nào đó tại một thời điểm, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến một hoặc thậm chí nhiều vị trí khác nhau.

Một cuộc tấn công của bệnh gút có thể xảy ra rất đột ngột, thường đánh thức bạn dậy vào ban đêm với cảm giác chân sưng, nóng ran như đang bốc cháy. Tại các khớp bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ thấy có cảm giác nóng, sưng và cơn đau đó xảy ra đến nỗi chỉ cần một tấm chăn nhẹ đặt lên cũng không thể chịu đựng được.

Các cơn đau của bệnh gút có thể đến và đi, làm ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Theo thời gian, nếu bệnh gút không được điều trị, các cơn đau có thể xuất hiện thường xuyên hơn và ảnh hưởng đến nhiều những khớp xương khác. Các cơn đau cấp tính lặp đi lặp lại có thể khiến tổn thương và làm hỏng khớp.

Nguyên nhân gây bệnh gút

Nguyên nhân của bệnh gút có thể do trục trặc về gen. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định có 5 gen liên quan đến bệnh gút. Đối tượng thường gặp là ở nam giới nhiều hơn nữ giới, do các gen bị trục trặc thường có ở nam.

Ngoài ra, bệnh gút cũng có thể hình thành do các yếu tố như:

- Chế độ ăn thiếu lành mạnh: Chế độ ăn nhiều thịt, hải sản, uống đồ uống có đường sẽ làm tăng axit uric máu và gây cơn đau bệnh gút. Việc uống quá nhiều rượu, bia cũng khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn.

- Thừa cân, béo phì: Nếu thừa cân, bạn sẽ sản xuất nhiều axit uric hơn và thận gặp khó khăn trong việc loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.

- Mắc một số bệnh như huyết áp cao, bệnh tiểu đường, hội chứng chuyển hóa và các bệnh về tim, thận cũng có thể khiến bạn bị cơn đau gút tấn công.

- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giảm đau,… đều có thể làm tăng nồng độ axit uric máu. 

- Tiền sử gia đình mắc bệnh gút: Nếu có các thành viên khác trong gia đình bị bệnh gút, bạn tiềm ẩn nhiều khả năng mắc bệnh này cao hơn.

- Tuổi tác và giới tính: Bệnh gút thường xảy ra nhiều hơn ở nam giới và phụ nữ độ tuổi mãn kinh.

Người bị bệnh gút có nguy cơ bị suy giảm thính lực

Theo các chuyên gia, người bị bệnh gút có thể kích hoạt phản ứng viêm do sự lắng đọng của tinh thể muối urat. Viêm và stress oxy hóa cũng liên quan riêng đến cơ chế bệnh sinh của mất thính lực - vấn đề phổ biến ở người cao tuổi. Một nghiên cứu đoàn hệ lớn ở người dưới 60 tuổi cho thấy mối liên quan đáng kể giữa nồng độ protein phản ứng C trong huyết thanh dài hạn và khiếm thính. Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây sử dụng dữ liệu của trung tâm Khảo sát kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Hoa Kỳ (NHANES) cho thấy, mối liên quan giữa tuổi già, giới tính nam, chủng tộc da trắng, bệnh tim mạch, tiếng ồn lớn, bệnh tiểu đường và hút thuốc lá.

Dựa trên các yếu tố rủi ro chung của bệnh gút và giảm thính lực, Jasvinder A. Singh, MD, MPH và John D. Cleveland, MD, thuộc Đại học Alabama ở Birmingham (Anh) đã đánh giá xem liệu bệnh gút có liên quan đến nguy cơ mất thính giác cao hơn ở người già hay không. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người lớn tuổi mắc bệnh gút thực sự có nguy cơ bị mất thính lực cao hơn so với những đối tượng khỏe mạnh khác.

Các nhà điều tra đã phân tích một mẫu ngẫu nhiên, 5% các yêu cầu Medicare của Hoa Kỳ được nộp từ năm 2006 - 2012 (N = 1,716,438). Trong đó, 89.409 bệnh nhân bị khiếm thính. Khi các nhà điều tra tính toán tỷ lệ mắc khiếm thính, họ nhận thấy, có 16,9/1.000 người bị bệnh gút bị mất thính lực. Con số ở người không bị bệnh gút là 8,7/1.000 người.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho biết, nguy cơ suy giảm thính lực có thể đến từ các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh gút. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, những phát hiện của họ chỉ được khái quát hóa cho người lớn từ 65 tuổi trở lên.

Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên mô tả mối liên quan của bệnh gút với tình trạng suy giảm thính lực ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan khác về tăng axit uric máu đã cho thấy những phát hiện tương tự. Trong một nghiên cứu gần đây của Hàn Quốc, urate huyết thanh cao hơn (sUA) có liên quan đáng kể đến mất thính lực mới. Một báo cáo trường hợp gần đây cũng mô tả tình trạng điếc dẫn truyền do các tinh thể muối urat tích tụ ở xương trong tai giữa.