Tăng axit uric máu xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong cơ thể. Axit uric máu cao cũng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, tiểu đường và bệnh thận. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, có rất nhiều loại thuốc khiến nồng độ axit uric máu tăng cao. Đó là những loại thuốc nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Tăng axit uric máu là gì?
Axit uric là chất thải tự nhiên từ quá trình tiêu hóa các loại thực phẩm có chứa purin. Purin là hợp chất được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như: Thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật, rượu, bia… Thông thường, cơ thể đào thải axit uric nhờ thận thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu bạn tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu purin trong chế độ ăn uống hoặc khi thận không thể loại bỏ chúng, axit uric có thể tích tụ ở máu.
Khi lượng axit uric máu cao trên 70 mg/l (420 micromol/l) với nam và trên 60 mg/l (360 micromol/l) với nữ thì chứng tỏ, bạn đang bị tăng axit uric máu và khả năng mắc gút sẽ rất cao. Ngoài ra, axit uric máu cao còn có liên quan đến các cuộc tấn công của bệnh gút hoặc sự phát triển của sỏi thận.
5 loại thuốc làm tăng axit uric – Hãy cẩn trọng!
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nồng độ axit uric máu tăng, trong đó sử dụng thuốc cũng là một trong những yếu tố nguy cơ cao. Vậy đâu là những loại thuốc làm tăng axit uric và gây ra cơn đau gút?
1. Nhóm thuốc lợi tiểu
Sử dụng thuốc lợi tiểu là một trong những nguyên nhân làm tăng axit uric máu phổ biến nhất. Theo các chuyên gia, tất cả các thuốc lợi tiểu (trừ spironolacton là không ảnh hưởng đến thải trừ axit uric) đều có khả năng làm tăng axit uric máu, dẫn đến bệnh gút do làm giảm thải tiết axit uric qua ống thận. Vì vậy, người bệnh phải dùng thuốc lợi tiểu cần theo dõi nồng độ axit uric máu hoặc dấu hiệu cơn gút cấp để giảm liều. Cần nhớ, việc giảm liều thuốc cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.
2. Thuốc aspirin
Đây là loại thuốc kinh điển thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid. Suốt nửa thế kỷ đầu tiên kể từ khi đưa vào sử dụng, aspirin luôn được dùng rộng rãi trong điều trị viêm khớp, dù có nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như viêm, loét dạ dày tá tràng và xuất huyết tiêu hóa.
Tuy nhiên, kể từ khi những thuốc chống viêm không sterroid khác hiệu quả và an toàn hơn ra đời thì aspirin ngày càng ít được sử dụng như thuốc chống viêm khớp. Ngày nay, aspirin liều thấp lại được khuyến cáo sử dụng chống ngưng kết tập tiểu cầu, dự phòng các biến chứng tắc mạch do huyết khối, cũng như vẫn còn được sử dụng như là thuốc hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên, dùng aspirin liều thấp (ít hơn 2g/ngày) cũng là nguyên nhân của bệnh gút thứ phát, liều cao trên 2g/ngày lại tăng thải axit uric qua thận dẫn đến giảm axit uric máu.
3. Thuốc corticoid
Thuốc chứa corticoid có thể làm giảm nhanh chóng các triệu chứng đau khớp nhưng về lâu dài lại gây ra rất nhiều tác dụng phụ như: Tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, đái tháo đường và gút...
Nguyên nhân gây gút của corticoid là do thuốc cạnh tranh thải tiết với axit uric ở ống thận do vậy làm giảm bài tiết axit uric, khiến nồng độ axit uric tăng cao, quá ngưỡng hòa tan của axit uric trong máu, làm các tinh thể muối urat kết tủa trong khớp gây ra cơn gút cấp. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh khớp không được lạm dụng thuốc chứa corticoid.
Một điều cần chú ý nữa là thậm chí, tiêm corticoid nội khớp cũng có thể gây viêm màng hoạt dịch khớp cấp tính. Phản ứng viêm có thể xuất hiện sau tiêm từ 2-24 giờ. Dịch khớp nhiều bạch cầu, thậm chí có dạng mủ, chứa nhiều vi tinh thể của thuốc nằm trong và ngoài tế bào.
4. Fructose
Sử dụng đường fructose tiêm tĩnh mạch hoặc uống nhiều đường fructose trong vài ngày có liên quan đến việc tăng nồng độ axit uric. Fructose liên quan chặt chẽ với tăng axit uric máu và tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở cả hai giới.
Fructose làm tăng nồng độ axit uric nội bào và tuần hoàn do tăng lượng nucleotide và tổng hợp nucleotide. Fructose có thể gây ra sự gia tăng nồng độ lactate trong máu, ngăn chặn sự bài tiết urate và dẫn đến tăng axit uric máu. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin và tăng insulin máu sau đó, giảm bài tiết axit uric và tiếp tục thúc đẩy tăng axit uric máu.
5. Thuốc chống lao
Các thuốc được chỉ định trong phác đồ thuốc điều trị bệnh lao hiện nay (thường phải kết hợp nhiều thuốc như streptomycin, rifampicin, isoniazid, ethambutol, pyrazinamid...) là một trong các thủ phạm chính gây tăng axit uric máu và có thể dẫn đến bệnh gút.
Cụ thể, pyrazinamid gây tăng cao axit uric, có thể khởi động cơn gút cấp sau vài tuần dùng thuốc, ethambutol làm xuất hiện các các cơn gút cấp do làm giảm thải tiết axit uric niệu. Tuy nhiên, phản ứng tăng axit uric lại chứng tỏ bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc trị lao và không cần dùng thuốc hạ axit uric máu nếu chưa xảy ra cơn gút cấp. Việc dùng thuốc điều trị lao là vô cùng cần thiết, nên người bệnh không được tự ý bỏ thuốc ngay cả khi có cơn đau khớp do gút cấp tấn công.