Bệnh gút là do tăng acid uric máu và lắng đọng các tinh thể urat trong khớp gây ra đợt viêm khớp cấp tính. Một số loại thuốc có thể làm nặng thêm bệnh gút sẵn có. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, thuốc lợi tiểu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút, mọi người cần lưu tâm.

Dùng thuốc lợi tiểu làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút

Bệnh gút có những đặc điểm lâm sàng tương đối dễ nhận biết: Trên 95% trường hợp mắc gút là ở nam giới tuổi 35 – 45, to khỏe, mập mạp. Viêm khớp cấp tính do bệnh gút khởi phát đột ngột, diễn biến thành từng đợt, đan xen với thời gian khớp hoàn toàn khỏi (những năm đầu). 70% vị trí bắt đầu thường là ở khớp ngón chân cái. Cơn gút cấp gây sưng, nóng, đỏ, khiến bệnh nhân đau đớn và không thể đi lại được bình thường. Trong giai đoạn cấp có thể kèm các dấu hiệu toàn thân như: Sốt cao, lạnh run,...

Bệnh gút xảy ra khi bạn có sự tích tụ acid uric trong máu. Acid uric là một sản phẩm sản sinh từ cơ thể và thường tan trong máu, đi qua thận và ra khỏi cơ thể trong nước tiểu. Nhưng khi cơ thể sản xuất quá nhiều acid uric hoặc thận không lọc đủ nhanh, lượng acid dư thừa có thể hình thành tinh thể trong khớp của bạn. Điều này gây ra bệnh gút. Nếu bạn đang dùng thuốc làm tăng nồng độ acid uric trong máu hoặc tiền sử gia đình có nồng độ acid uric cao, bạn sẽ dễ bị gút.

Thuốc lợi tiểu được chứng minh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Thuốc lợi tiểu bao gồm: Các thuốc nhóm thiazide, nhóm tác dụng lên quai thận, nhóm giữ K+,… có tác dụng làm tăng tiểu tiện, giảm lượng chất lỏng trong cơ thể. Tuy nhiên, chất lỏng còn lại tập trung hơn, có thể làm tăng nguy cơ phát triển các tinh thể gây ra bệnh gút. Thuốc làm tăng tái hấp thu acid uric và ngăn bài tiết acid uric ở ống thận khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao, từ đó tạo điều kiện hình thành bệnh gút. Thuốc lợi tiểu thiazide còn gây ra sự mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể, từ đó hình thành một số triệu chứng như khát nước, khô miệng, lú lẫn, co giật, tăng nhịp tim và giảm lượng nước tiểu.

Theo Hiệp hội Viêm khớp (Arthritis Foundation), bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vẩy nến dùng thuốc trấn áp hệ thống miễn dịch cũng có nguy cơ bị bệnh gút. Nếu được chẩn đoán mắc gút, bác sĩ có thể thay đổi thuốc cho người bệnh để đảm bảo lượng acid uric thấp hơn.

Giải pháp từ thiên nhiên hỗ trợ điều trị cho người bệnh gút

Bạn hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia để quyết định xem nên tiếp tục dùng thuốc lợi tiểu hay chuyển sang dùng thuốc khác. Các biện pháp khác mà bạn có thể làm để giảm acid uric bao gồm:

- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau, protein thực vật, các sản phẩm sữa ít chất béo và ngũ cốc nguyên hạt, giảm lượng thịt và hải sản.

- Không uống rượu, bia; hạn chế đồ uống, thực phẩm có đường và uống nhiều nước.

- Giảm cân và duy trì trọng lượng khỏe mạnh dựa trên chỉ số cơ thể của bạn.

- Hạn chế lượng thức ăn giàu purine như: Gan, cá thu, cá trích, thịt thú và cá mòi.

Khánh Linh