Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, những người sử dụng nhiều đồ uống chứa caffeine có thể làm tăng nguy cơ tái phát cơn gút cấp trong thời gian ngắn. Nghiên cứu trên đã giúp cho chúng ta có thêm những thông tin mới về cơn gút cấp từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả.

Nghiên cứu về mối liên quan giữa caffeine và nguy cơ tái phát cơn gút cấp

Có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về mối liên quan giữa caffeine và nguy cơ tái phát cơn gút cấp. Một trong số đó đã được trình bày tại Hội nghị khoa học thường niên ở Atlanta vào tháng 11 năm 2010 với kết luận: đồ uống có chứa caffeine có thể làm tăng nguy cơ tái phát cơn gút cấp. Nghiên cứu khác lại kết luận rằng: sử dụng caffeine trong thời gian dài có khả năng làm giảm nguy cơ tấn công của cơn gút cấp, tuy nhiên, trong thời gian ngắn, caffeine có thể làm tăng axit uric máu và có nguy cơ để gây ra các cuộc tấn công gút cấp. Dựa trên những mâu thuẫn này, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để xác định rõ mối liên quan của caffeine với sự tấn công của cơn gút cấp.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm kiếm trên internet có 633 người tham gia (trong đó có 486 người đã được chẩn đoán là mắc bệnh gút). Tất cả những người tham gia này đều đã trải qua những cơn gút cấp trong vòng một năm, chủ yếu là người da trắng (89%), nam giới chiếm 78%, những người có trình độ đại học là 58%. Nghiên cứu quy định rằng các thức uống chứa caffeine là các loại cà phê, trà, … và các thức uống không chứa caffeine là cà phê đã tách caffein, một số loại trà, nước ngọt, nước trái cây… Mỗi người tham gia phải sử dụng các loại thức uống trên trong khoảng thời gian 24h trước khi bị tấn công bởi các cơn gút cấp cũng như trong suốt một khoảng thời gian 24h mà không có cuộc tấn công của cơn gút cấp.

Từ những dữ liệu nghiên cứu thực tế và sau khi xem xét sử dụng các thuốc lợi tiểu, uống rượu bia, ăn nhiều chất đạm của người tham gia, các nhà nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa lượng thức uống chứa caffeine được tiêu thụ (0, 1, 2, 3, 4, 5, 6 hoặc lớn hơn 6 trong mỗi phần ăn đã được quy định trong 24h) và nguy cơ tái phát các cơn gút cấp. Với nhóm đối chứng, họ lặp lại các phân tích tương tự đối với các đối tượng tiêu thụ thức uống không chứa caffeine.

TS. BS Neogi cho biết, khi tiêu thụ một lượng thức uống chứa caffeine nhiều hơn ba đến bốn lần so với khẩu phần ăn bình thường trong vòng 24h thì có nguy cơ bị tái phát các cơn đau gút tới 40 - 80 %. Điều này khiến cho các nhà khoa học tin rằng, khi tiêu thụ các thức uống chứa caffeine nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ ngắn hạn các cuộc tấn công bệnh gút. Trong khi đó, sử dụng các thức uống không chứa caffeine thì không ảnh hưởng đến nguy cơ này. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ, để biết được những yếu tố nguy cơ trong cuộc sống từ đó giúp làm giảm thiểu sự tấn công của cơn gút cấp.

Thay đổi những lối sống để giúp giảm nguy cơ tấn công của cơn gút cấp

Ngày nay, bệnh gút không còn xa lạ gì trong cuộc sống hiện đại. Với tính chất của bệnh cần phải điều trị lâu dài và việc phòng tránh tái phát bệnh giữ một vai trò rất quan trọng.

Để giúp giảm được nguy cơ tấn công của cơn gút cấp, người bệnh cần chủ động thay đổi những yếu tố như: chế độ ăn uống, duy trì vận động thường xuyên, uống nhiều nước… để giúp đào thải được lượng axit uric ra ngoài. Người bệnh nên hạn chế tối đa các chất đạm chứa trong ngũ tạng động vật, các loại thịt đỏ, hải sản…, không nên uống rượu bia và những thực phẩm có nguy cơ làm tăng axit uric trong cơ thể.

Khánh Huyền