Nồng độ axit uric dư thừa trong cơ thể có thể gây ra một dạng viêm khớp đặc biệt được gọi là bệnh gút. Khoảng 1/3 lượng axit uric trong cơ thể xuất phát từ các loại thực phẩm bổ sung hằng ngày, phần còn lại là sản xuất tự nhiên trong cơ thể. Vì vậy, việc lựa chọn các loại  thực phẩm là rất quan trọng đối với người bệnh gút để làm sao vừa bảo đảm được dinh dưỡng vừa giúp ngăn chặn tiến triển của bệnh.

Các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe người bệnh gút

Đu đủ xanh

Nhiều nghiên cứu cho thấy trong đu đủ xanh có chứa papain, đây là một enzyme phân giải protein giúp cơ thể duy trì được tính kiềm do đó ngăn ngừa tích lũy axit uric trong cơ thể. Hơn nữa, papain còn có khả năng chống viêm, giúp làm giảm đáng kể tình trạng viêm khớp do bệnh gút gây ra. Có nhiều cách chế biến đu đủ, bạn có thể nấu thành các món canh, món xào trong thực đơn hằng ngày của mình. Một cách khác, theo giáo sư Lai (Trung Quốc) cho biết thêm chúng ta có thể cắt đu đủ thành miếng nhỏ, cho vào nước đun sôi, sau đó thêm lá trà vào và thưởng thức. Các xét nghiệm lâm sàng cho thấy rằng, công thức này mang lại hiệu quả tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh gút nếu như người bệnh thường xuyên sử dụng loại thức uống này.

Dứa

Dứa là nguồn thực phẩm tự nhiên duy nhất chứa enzyme bromelain -  enzyme phân hủy protein. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2001 trên tạp chí Cancer Chemotherapy and Pharmacology cho biết rằng bromelain và một số enzyme tương tự có thể làm giảm chuyển hóa nhân tố β, điều này giúp làm giảm bớt các triệu chứng do viêm khớp gây ra. Bên cạnh đó, trong quả dứa có chứa hàm lượng lớn vitamin C. Một nghiên cứu vào năm 2005 được công bố trên tạp chí Arthritis and Rheumatism xác định rằng, vitamin C có thể làm giảm nồng độ axit uric dư thừa từ đó giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh gút. Hơn nữa, không giống các loại trái cây khác như táo, nho, xoài, mận, dưa hấu… dứa chứa rất ít lượng fructose. Một tạp chí y khoa ở Anh cho thấy rằng, chế độ ăn uống giàu fructose sẽ đi kèm với nguy cơ cao mắc bệnh gút. Chính vì những lý do trên, trung tâm y khoa trường Đại học Pittsburgh – Mỹ đã khuyến cáo người bệnh gút nên bổ sung dứa trong các bữa ăn hằng ngày.

Dâu tây

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, dâu tây là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh gút. Vào tháng 3 năm 2009, một nghiên cứu được tiến hành tại Canada và được công bố trên tạp chí Archives of Internal Medicine, nghiên cứu tiến hành kiểm tra 46.994 nam giới không có tiền sử mắc bệnh gút trong 20 năm, kết quả cho thấy những đối tượng sử dụng thực phẩm chứa vitamin C có tỷ lệ thấp khởi phát bệnh gút. Một nghiên cứu khác tiến hành vào tháng 6 năm 2005 tại trường đại học Johns Hopkins (Mỹ) và được công bố trên tạp chí Arthritis and Rheumatism cho thấy rằng việc bổ sung vitamin C hằng ngày có thể làm giảm đáng kể nồng độ axit uric trong máu.

Dâu tây cũng là một nguồn giàu folate, một chén dâu tươi có chứa khoảng 40 µg folate. Một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 10 năm 2013 tại Đài Loan và công bố trong tạp chí American Journal of Clinical Nutrition cho thấy rằng những thực phẩm giàu folate như dâu tây có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh gút hiệu quả. Bên cạnh đó, theo đánh giá từ các chuyên gia cho thấy rằng hoạt chất có trong dâu tây bao gồm axit ellagic, flavonoid quercetin, catechin, anthocyanin và kaempferol không những giúp ngăn chặn được quá trình viêm mà còn giảm được nguy cơ gây ung thư và tim mạch.

Tuy nhiên, trong dâu tây có chứa oxalate, một hợp chất hóa học có nguồn gốc từ axit oxalic. Theo trung tâm y khoa trường Đại học Holistic Urology, Columbia cho biết có mối liên hệ giữa oxalate và sỏi thận. Vì vậy, mặc dù dâu tây có thể giúp giảm được các triệu chứng của bệnh gút nhưng cũng có thể khiến cho bệnh nhân phát triển bệnh sỏi thận nên người bệnh gút cần lưu ý trước khi sử dụng.

Hạt điều

Hạt điều là một thực phẩm giàu protein, chứa chất béo không bão hòa đơn và các khoáng chất như đồng, sắt, magie và kẽm. Tuy nhiên, trong hạt điều lại chứa lượng thấp purin nên đây là nguồn cung cấp protein thay thế cho các thực phẩm khác rất tốt đối với người bệnh gút. Theo trung tâm y khoa trường Đại học Pittsburgh, một chế độ ăn uống của người bệnh gút nên bao gồm khoảng 170g thực phẩm giàu protetin như hạt điều mỗi ngày. Ngoài việc chứa lượng purin thấp, hạt điều còn có ít chất béo bão hòa, không cholesterol nên giảm được nguy cơ ung thư và tim mạch.

Minh Thư