Trong các loại quả mọng có chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa. Một số nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng việc bổ sung các loại quả mọng vào thực đơn hằng ngày có thể giúp giảm được các triệu chứng đau viêm, cũng như giúp kiểm soát được nồng độ axit uric trong cơ thể nên rất tốt cho sức khỏe của người bệnh gút.

Quả mọng là một thuật ngữ dùng để chỉ những loại trái cây có kích thước nhỏ, da bóng, căng tròn, có thể có hạt hoặc không có hạt, trong thành phần thịt của quả có chứa nhiều nước. Một số loại quả mọng có thể kể đến như: nho, việt quất, anh đào, mâm xôi… Quả mọng chứa hàm lượng thấp purin, giàu flavonoid giúp chống viêm và chống oxy hóa mạnh nên giảm được các triệu chứng do bệnh gút gây ra. Ngoài ra, các loại quả này cũng chứa hàm lượng cao vitamin C, giúp kiểm soát được nồng độ axit uric trong cơ thể từ đó ngăn ngừa sự lắng đọng các tinh thể muối urat gây nên bệnh gút. Bên cạnh đó vitamin C cũng là chất mà cơ thể cần để sản xuất ra collagen, một thành phần thiết yếu của mô liên kết để sửa chữa sự thương tổn của các mô sau một cuộc tấn công bệnh gút. 

Một số loại quả mọng tốt cho sức khỏe người bệnh gút

Quả mâm xôi đen

Thời xa xưa, người Hy Lạp đã biết sử dụng quả mâm xôi đen như một phương thuốc tự nhiên chữa bệnh gút. Trong thành phần của loại quả này có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn cả quả anh đào, các chất này giúp trung hòa các gốc tự do gây tổn hại các mô trong cơ thể. Trong quả mâm xôi đen có chứa hàm lượng đường thấp hơn so với các loại trái cây khác nên tránh việc gia tăng insulin trong cơ thể. Ngoài ra quả còn giúp kiềm hóa cơ thể, mặc dù tính kiềm không mạnh bằng các loại trái cây họ cam quýt nhưng vẫn giúp ngăn ngừa sự lắng đọng tinh thể muối urat gây nên bệnh gút. Quả mâm xôi đen có thể chống lại tình trạng viêm trong bệnh gút giống như cơ chế của thuốc giảm đau chống viêm aspirin hoặc ibuprofen: bằng cách tắt các tín hiệu của enzyme COX-1 và COX-2 chịu trách nhiệm đáp ứng viêm của cơ thể. Một cốc quả mâm xôi đen có chứa 64 calo, cholesterol và đặc biệt là có tới 186 mg kali nên rất quan trọng đối với người bị bệnh gút. 

Dâu tây

Trong dâu tây cũng rất giàu chất chống oxy hóa, vitamin C, kali, axit amin, axit folic và chất xơ, đặc biệt là chứa hàm lượng lớn magie đây là một khoáng chất có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh gút (1 cốc dâu tây chứa khoảng 90 mg vitamin C và 20 mg magie). Một nghiên cứu tại Đài Loan vào năm 2003 đã phát hiện ra rằng các loại thực phẩm chứa nhiều folate như dâu tây có tác dụng phòng chống bệnh gút. Hơn nữa, trong dâu tây có hơn 90% là nước và điều này lại rất cần thiết cho người bệnh gút để giúp loại bỏ các tinh thể muối urat ra ngoài.

Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là dâu tây có chứa oxalate và theo các nhà nghiên cứu tại đại học Columbia cho rằng có một liên kết giữa oxalate, axit uric và sỏi thận. Vì vậy, những người có tiền sử sỏi thận nên tìm tư vấn y tế trước khi sử dụng dâu tây trong chế độ ăn uống của mình.

Quả việt quất

Giống như tất cả các loại quả mọng, việt quất rất giàu chất chống oxy hóa và giàu chất xơ nên rất tốt cho người bệnh gút. Một cốc quả việt quất có 80 calo và không có chất béo, cung cấp cho cơ thể một phần tư nhu cầu vitamin C hàng ngày. Trong việt quất có chứa hàm lượng cao anthocyanin nên giúp kháng viêm hiệu quả, đồng thời giúp giảm được nồng độ axit uric trong cơ thể. Từ đó, có thể thấy rằng đây là loại trái cây tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho người bệnh gút.

Hồng Minh