Tập thể dục có tác dụng rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Ngoài việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể còn kiểm soát được cân nặng, từ đó giúp giảm áp lực lên các khớp, giảm được các cơn đau cho những người mắc bệnh gút và các bệnh về xương khớp khác.

Vì sao người bệnh gút nên tập thể dục?

Một chế độ ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp kiểm soát tốt được bệnh gút, bởi vì:

-  Qua các nghiên cứu cho thấy rằng, tập thể dục có thể giúp kiểm soát được cân nặng và tăng cường sức khỏe cơ bắp từ đó giúp giảm áp lực của cơ thể lên các khớp xương nên rất tốt cho người bệnh gút.

-  Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu, hạn chế sự lắng đọng thêm các tinh thể muối urat tại các khớp từ đó ngăn ngừa được tái phát các cơn đau cấp.

-  Ngoài ra, tập thể dục còn giúp bôi trơn khớp, giúp xương và các mô sụn khỏe mạnh, tăng sức dẻo và sức mạnh của cơ, duy trì khả năng hoạt động bình thường, tránh xảy ra tình trạng cứng khớp.

-  Tăng cường sức khỏe tim mạch.

Một lưu ý đối với những người bệnh gút đang bị tấn công bởi các cơn đau cấp là không nên tập thể dục quá mạnh mà cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Khi các cơn đau đã qua thì lúc này người bệnh gút mới nên luyện tập trở lại.

Sau đây là các bài tập thể dục người bệnh gút có thể tham khảo

1. Bài tập cử động khớp trong tầm hạn.

Bài tập này đóng vai trò như là bước khởi động cơ bản cho người bệnh gút trước khi bước vào luyện tập các bài tập khác, người bệnh chỉ cần thực hiện các động tác co và duỗi nhẹ nhàng các khớp.

2. Bài tập cơ bắp.

Những người bệnh gút vốn rất khó khăn trong vận động, nên khi luyện tập các bài tập này sẽ giúp cho cơ bắp khỏe mạnh hơn, từ đó giúp cho các khớp cử động ổn định và thoải mái hơn, bảo vệ khớp tránh khỏi những tổn thương. Để tránh đau khi luyện tập thì các chuyên gia cho áp dụng với liệu pháp “isometric”, khi đó các cơ sẽ được luyện tập độc lập mà khớp không hề di chuyển.

Để 2 tay ngang ngực, 2 lòng bàn tay áp chặt vào nhau, giữ trong 5 giây sau đó nghỉ 5 giây, thực hiện 5 lần, khi luyện tập đã quen có thể nâng thời gian lên 10-15 giây.

3. Bài tập dưới nước.

Bài tập này chúng ta có thể kết hợp trong lúc bơi lội, nhờ vào lực đẩy của nước, trọng lượng cơ thể được giảm đi, từ đó sẽ giúp các khớp vận động được dễ dàng hơn.

4. Bài tập sức bền.

Bài tập sức bền bao gồm: đi bộ, bơi lội, đạp xe hay thậm chí là các hoạt động thường ngày như lau nhà, quét sân. Các bài tập này sẽ giúp tăng cường vận chuyển oxi trong máu, tăng sức mạnh cơ bắp.

An Khang