Bị bệnh gút có ảnh hưởng đến thận không là thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt là với những ai đang mắc phải căn bệnh này. Gút là bệnh lý về xương khớp, nếu không có phương pháp cải thiện sớm và kịp thời có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe. Vậy bệnh gút có ảnh hưởng đến thận không? Mời bạn tìm hiểu thông tin trong bài viết sau!
Bệnh gút là gì?
Gút là bệnh hình thành bởi sự chuyển hóa bất thường của axit uric trong máu. Những người bị bệnh gút thường là do cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric, hoặc thận suy giảm chức năng, không có khả năng để loại bỏ chúng.
Dư thừa axit uric được coi là nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn đau gút. Axit uric được tạo ra khi chúng ta tiêu thụ thức ăn giàu purin. Một số người bị bệnh gút do cơ thể sản xuất quá mức lượng axit uric. Những người khác bị bệnh gút do thận không thể loại bỏ chúng ra ngoài một cách hiệu quả.
Các yếu tố nguy cơ có thể khiến axit uric máu tăng cao và gây bệnh gút bao gồm:
- Do di truyền: Nếu cha mẹ bị gút, thì bạn có 20% nguy cơ cũng mắc phải căn bệnh này.
- Tuổi tác: Nam giới tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn so với phụ nữ.
- Uống đồ uống có cồn, đặc biệt là bia hoặc chế độ ăn nhiều thịt đỏ, nội tạng, nấm men, động vật có vỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị như: Thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị ung thư,… cũng có thể khiến nồng độ axit uric máu tăng và gây ra cơn đau gút.
Suy giảm chức năng thận – Nguyên nhân sâu xa gây bệnh gút
Axit uric được cơ thể sinh ra hằng ngày và 80% lượng axit uric đó được đào thải ra ngoài cơ thể qua thận. Do đó, thận đảm nhận vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa axit uric của cơ thể. Mọi nguyên nhân làm cho thận giảm đào thải axit uric đều làm tăng nồng độ axit uric máu. Đây là yếu tố trực tiếp gây kết tủa axit uric thành vi tinh thể muối urat natri hình kim lắng đọng trong cơ thể gây ra bệnh gút.
Hơn thế, thận còn là cơ quan chính điều hòa nội môi. Chức năng thận bị suy sẽ gây rối loạn các yếu tố của nội môi như: Nồng độ pH, các ion kim loại, nồng độ các muối… tạo ra những điều kiện khác tham gia vào quá trình kết tủa của muối urat gây bệnh gút. Do vậy, chức năng thận suy giảm được xem là nguyên nhân gốc rễ hình thành cơn đau gút.
Bệnh gút có ảnh hưởng đến thận không?
Suy giảm chức năng thận là nguyên nhân làm tăng axit uric máu, gây cơn đau gút và ngược lại, bệnh gút lâu năm không điều trị sớm và kịp thời sẽ khiến thận bị ảnh hưởng. Ở người bị gút, tinh thể urate natri lắng đọng ở nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó thận là cơ quan có lắng đọng rất sớm.
Vi tinh thể muối urat lắng đọng trong xoang thận sẽ tạo ra sỏi thận có thể làm tắc đường tiểu, viêm đường tiểu, ứ nước, giãn thận… lắng đọng trong các ống thận gây viêm thận kẽ và tắc ống thận làm tổn thương tổ chức nhu mô thận và giảm chức năng thận.
Những tổn thương trên thường kết hợp với nhau làm chức năng thận của bệnh nhân gút ngày càng suy giảm. Khi thận bị suy chức năng lại trực tiếp tham gia vào cơ chế sinh bệnh gút, tạo ra vòng xoắn bệnh lý thúc đẩy bệnh gút tiến triển nhanh đến giai đoạn muộn rất khó điều trị.
Làm sao để tăng cường chức năng thận, kiểm soát bệnh gút hiệu quả?
Để giảm axit uric máu, cải thiện bệnh gút và tăng cường chức năng thận, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể:
1. Có chế độ ăn uống hợp lý
Khi ăn quá nhiều thức ăn có hàm lượng purin cao, sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Nếu nồng độ axit uric tăng, chúng sẽ tích tụ tại các khớp và gây ra cơn đau bệnh gút. Không chỉ có vậy, axit uric còn có thể lắng đọng trong thận và gây ra sỏi thận, suy thận.
Người bị bệnh gút không nên ăn quá 150g thịt đỏ/ngày, không ăn nội tạng động vật, các loại hải sản, nấm khô,... Thay vào đó, nên ăn những loại rau củ tốt cho bệnh gút như: Rau xanh, sữa tách béo, uống nhiều nước để có lợi hơn cho sức khỏe.
2. Chế độ tập luyện phù hợp
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ và có nhiều năng lượng hơn. Các bài tập làm giảm đau và tăng năng lượng cũng duy trì cho bạn một trọng lượng khỏe mạnh. Hãy tập luyện nhẹ nhàng, thường xuyên để đẩy lùi cơn đau gút, phòng ngừa bệnh suy thận hiệu quả.
3. Uống thuốc theo đơn của bác sĩ
Nếu nồng độ axit uric của bạn cao, bác sĩ có thể kê toa thuốc để duy trì nồng độ axit uric thấp và giảm nguy cơ mắc bệnh gút trong tương lai. Điều quan trọng là bạn cần uống những loại thuốc này theo đúng quy định, uống đủ liều, không tự ý dừng lại khi chưa có ý kiến của bác sĩ.