Tại Việt Nam, hiện có nhiều bệnh nhân đang phải chịu đựng những cơn đau do gút (gout) hành hạ. Việc hiểu về nguyên nhân và cơ chế của bệnh để có kiến thức phòng tránh hoặc ngăn ngừa bệnh tái phát là điều được rất nhiều người quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hồ Sĩ Thống xung quanh vấn đề này.

- Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu nào được xem là biểu hiện của bệnh gút và mức độ nguy hiểm của nó ra sao?

Gút (thống phong) là bệnh viêm khớp gây ra bởi sự lắng đọng tinh thể urat ở phần sụn khớp, gân, mô xung quanh biểu hiện là tăng axit uric máu trong thời gian dài và tăng dịch khớp. Triệu chứng thường thấy ở người mắc bệnh gút là những đợt viêm cấp tính, thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, hay xảy ra vào ban đêm với biểu hiện là viêm sưng các khớp xương, nhất là ngón chân cái có thể bị sưng to, phù nề, căng bóng, kèm theo những dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, sốt cao, khát nước... Sau 1-2 tuần, các triệu chứng sẽ rút lui. Nhưng nếu không có chế độ dự phòng và điều trị thích hợp, những đợt viêm cấp sẽ tái diễn thường xuyên hơn và kéo dài hơn gây viêm đa khớp, xuất hiện các Tophi dưới da (các u cục) nếu vỡ ra gây loét và hoại tử rất khó chữa cho lành.

- Được biết, gút là một bệnh rối loạn chuyển hoá, thường phải dùng thuốc lâu dài, trong khi đó phần lớn các thuốc điều trị bệnh gút hiện nay lại thường đi kèm với nhiều tác dụng phụ. Vậy ông có những lời khuyên gì cho các bệnh nhân gút để phòng ngừa hoặc đẩy lùi căn bệnh khó chịu này?

Bệnh gút thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hoá, cụ thể là do rối loạn chuyển hoá axit uric. Để dự phòng bệnh gút cũng như ngăn ngừa cơn cơn gút cấp tái cần có chế độ ăn uống sinh hoạt, tập luyện hợp lý: Không sử dụng cà phê, thuốc lá, rượu, bia,...; Hạn chế thức ăn như thịt, cá, tôm, cua, hải sản, thú rừng; Tránh béo phì; Uống nhiều nước trên 2 lít/ngày; Tránh làm việc quá sức. Khi có chấn thương hoặc phẫu thuật cần theo dõi axit uric, để phòng và điều trị kịp thời. Khi dùng các loại thuốc đặc trị cần phải theo chỉ định của bác sĩ.

Thùy Chi (thực hiện)