Xưa, gout được coi là “bệnh của vua”, của những quý ông nhà giàu tuổi trên 40. Nay có nhiều bệnh nhân là cán bộ, viên chức, anh xe ôm, thợ cắt tóc, sinh viên… và bắt đầu từ tuổi 16.
Anh Đ., một tay kéo khá nổi tiếng ở Ba Đình, Hà Nội, mới 31 tuổi nhưng đã được phát hiện nồng độ axit uric trong máu cao từ cách đây 2 năm. Tuy còn trẻ nhưng anh đã phải áp dụng chế độ ăn kiêng khem khắc khổ, không một giọt rượu giọt bia nhưng lúc nào cũng nơm nớp sẽ bị những cơn đau đớn do gout hành hạ vào một ngày nào đó.
T.T.H, 16 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội đã hai năm cứ thỉnh thoảng bị sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội ở vùng mắt cá chân, phải nghỉ học. Đi xét nghiệm phát hiện acid uric trong máu cao và được chẩn đoán là bị gout, sau điều trị một thời gian kết quả tốt, lại đi học được.
Có hai cha con cùng đi chữa bệnh gout. Bố N.X.Q, 53 tuổi, tài xế, nhà ở Thanh Xuân, bị gout từ năm 2003 đến nay với các triệu chứng điển hình như bắt đầu đau ngón chân cái, lần lên cổ chân, đầu gối, đến ngón tay, khuỷu tay… và con trai là N.X.B, 24 tuổi, sinh viên mới ra trường, cũng bắt đầu đau ở một ngón chân cái.
Bệnh gout (thống phong) là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa purin gây tăng acid uric trong máu. Bệnh gồm các đợt viêm khớp hoặc viêm tổ chức cạnh khớp, hay tái phát. Để xác định bị bệnh gout phải hội đủ hai yếu tố: acid uric cao và đau các khớp, điển hình nhất là khớp ở các ngón chân cái, cổ chân (mắt cá)…
Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM, khẳng định, tình trạng tăng axit uric máu trong cộng đồng hiện khá phổ biến. Bằng chứng là mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận điều trị vài chục ca bệnh gout (biểu hiện thường gặp của tăng axit uric), trong khi trước đây chỉ có vài chục ca/năm.
Đặc biệt là tỉ lệ người trẻ tuổi bị mắc gout đang tăng nhanh. Nếu như cách đây 2 thập niên, tình trạng tăng axit uric trong người dân Việt Nam ước tính chỉ 1% – 2%, chủ yếu là người lớn tuổi, thì hiện nay con số đó đã cao hơn nhiều. Ước tính khoảng trên 8 triệu người Việt Nam lâm vào tình trạng này. Trong đó khoảng 0,3% người trưởng thành đã mắc bệnh gout, chủ yếu ở nam giới. Mức tuổi phổ biến đã nới rộng từ trên 40 xuống 20-60. Cá biệt đã xuất hiện những trường hợp dưới 20 tuổi đã bị gout.
Bác sỹ Bùi Thị Thuyết, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E, cho biết một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng trẻ hóa bệnh gout là do lối sinh hoạt thoải mái thái quá của các bạn trẻ trong ăn uống và thiếu ý thức giữ gìn sức khỏe.Thanh niên hiện nay coi ăn nhậu là hình thức giao tiếp chính để giải quyết mọi công việc lớn nhỏ. Bên cạnh đó khi công nghệ thông tin phát triển, thời gian ngồi trước máy tính nhiều khiến cho hoạt động thể chất không đủ, nhịp sinh học bị xáo trộn. Thậm chí nếu tình trạng này kéo dài, kết hợp với stress thì một số chức năng sẽ bị suy giảm tạm thời.
Trong số các bệnh nhân trẻ mắc phải gout, khoảng 20% có liên quan đến yếu tố tiền sử gia đình. Tuy nhiên do hoàn cảnh sinh sống thiếu khoa học mà bệnh gout khởi phát sớm hơn so với trước đây.