Nếu như cách đây 2 thập niên, tình trạng tăng axit uric ở Việt Nam ước tính chỉ 1%-2% dân số thì hiện nay đã lên tới 9% (khoảng 8 triệu người). Lượng axit uric cao ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như mạch máu, tim, màng não, mắt…, song phổ biến nhất là gút – một bệnh liên quan đến phản ứng viêm khớp do tăng axit uric.
Gút là bệnh do rối loạn chuyển hóa các nhân purin, có đặc điểm chính là tăng axit uric máu. Axit uric là một chất thải hình thành bởi quá trình chuyển hóa chất purin có trong các tế bào của cơ thể. Khi axit uric bị bão hòa ở dịch ngoài tế bào, sẽ gây lắng đọng các tinh thể monosodium urat ở các mô. Tùy theo vi tinh thể urat bị tích lũy ở mô nào mà bệnh biểu hiện bởi một hoặc nhiều triệu chứng lâm sàng như viêm khớp cấp hoặc mạn tính, thường được gọi là viêm khớp do gút.
Một câu hỏi thường được bệnh nhân thắc mắc rằng: nếu bị tăng axit uric máu thì đã gọi là mắc bệnh gút chưa? Áp dụng theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Bennett và Wood 1968 thì một người chỉ được chẩn đoán là mắc bệnh gút khi: hoặc là tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp hay trong các hạt tophi; hoặc là có ít nhất hai trong số các tiêu chuẩn sau đây: một là tiền sử hoặc hiện tại có ít nhất hai đợt sưng đau của một khớp với tính chất khởi phát đột ngột, sưng đau dữ dội, và khỏi hoàn toàn trong vòng hai tuần; hai là tiền sử hoặc hiện tại có một đợt sưng đau khớp bàn ngón chân cái với các tính chất như trên; ba là có hạt tophi; bốn là đáp ứng tốt với colchicin (giảm viêm, giảm đau trong vòng 48h) trong tiền sử hoặc hiện tại.
Như vậy, nếu bệnh nhân chỉ đơn thuần là có tăng nồng độ axit uric máu thì chưa thể kết luận chẩn đoán là bị bệnh gut. Tuy nhiên, đối tượng bệnh nhân này là đối tượng nguy cơ dẫn đến mắc bệnh gút và trở thành mạn tính. Vì vậy cần phải sớm có một chế độ dự phòng và chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để tránh dẫn đến mắc bệnh gút với nhiều biến chứng của nó.
Ngay từ khi biết có hiện tượng tăng axit uric máu, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn giảm đạm, kiêng ăn hải sản, phủ tạng động vật, thịt có màu đỏ; kiêng uống rượu bia và tăng cường uống nhiều nước mỗi ngày, đặc biệt là nước khoáng có kiềm sẽ góp phần đào thải bớt axit uric ra khỏi cơ thể, góp phần hạ axit uric. Bên cạnh đó cũng có thể dùng một số loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược để tăng cường đào thải axit uric, đưa nồng độ axit uric trở về ngưỡng bình thường.
Bích Liên