Trứng là loại thực phẩm quen thuộc, có mặt hầu hết trong các bữa cơm gia đình. Trong trứng chứa hàm lượng acid béo omega 3 cao có tác dụng tốt trong việc phòng chống các bệnh lý về viêm khớp, thoái hóa khớp. Vậy liệu người bệnh gút ăn trứng có được không? Và ăn như thế nào là hợp lý?

Người bệnh gút nên ăn trứng như thế nào?

Trong các loại trứng phổ biến như trứng gà, trứng vịt, trứng cút,.., trừ các loại trứng lộn (trứng đã hình thành con), thì có chứa hầu hết các loại vitamin nhóm B (từ B1 đến B12) bao gồm choline, biotin và acid folic. Một quả trứng chứa khoảng 100mg choline và không có một loại thực phẩm nào chứa nhiều choline hơn trứng. Choline giúp giữ màng tế bào ổn định, đóng vai trò trong dẫn truyền thần kinh, ngăn ngừa sự tích tụ của homocysteine trong máu gây ra bệnh tim mạch và đặc biệt choline còn giúp giảm tình trạng viêm khớp do bệnh gút gây ra. Ngoài ra, trong trứng có chứa hàm lượng acid béo omega 3 cao, có tác dụng giảm đau, viêm khớp và cứng khớp cho người bệnh gút.

Một điều rất đáng quan tâm là, nếu chúng ta muốn thay thế một khẩu phần ăn mà không có thịt cho người bệnh gút, thì trứng là một sự lựa chọn tuyệt vời, bởi vì trứng có chứa hàm lượng cao protein nhưng lại ít nhân purin. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, không nên ăn quá 10 quả trứng một tuần và người bệnh gút cũng không nên ăn quá nhiều trứng hoặc ăn trứng mỗi ngày. Tốt nhất đối với người lớn tuổi thì không nên ăn quá 5 quả trứng một tuần, đối với thanh niên thì ăn tối đa chỉ 7 quả trứng trong một tuần. Vì nếu ăn quá nhiều cơ thể sẽ không thể tiêu hóa hết năng lượng được nạp từ trứng mà sẽ đào thải ra ngoài. Mặt khác, trứng rất giàu hàm lượng protein, nếu ăn quá nhiều khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể gặp trục trặc do thận phải làm việc quá tải. Ăn trứng quá nhiều có thể gây ra hiện tượng táo bón. Vì thế, người bệnh gút cần cân nhắc số lượng trứng tiêu thụ hằng tuần để tránh những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.