Một chế độ dinh dưỡng hợp lý luôn có lợi đối với sức khỏe nói chung và vấn đề này càng quan trọng đối với người mắc bệnh gút. Do đó, khi bạn đang bị cơn viêm khớp cấp do gút tấn công thì nên nhớ loại bỏ ngay 4 thực phẩm sau ra khỏi chế độ ăn hàng ngày để tránh tiến triển bệnh càng thêm trầm trọng.

Những loại thực phẩm cần phải tránh xa đối với người bệnh gút

1.     Rượu, bia

Theo một nghiên cứu ở nước Anh, việc uống rượu bia càng nhiều càng khiến tình trạng viêm khớp thêm trầm trọng và nguy cơ các bệnh về xương khớp càng tăng cao. Điều này được các nhà nghiên cứu lý giải: uống bia làm tăng hàm lượng acid uric trong cơ thể, đồng thời lượng cồn trong rượu bia cũng khiến gan thận ức chế sự đào thải acid uric - nguyên nhân gây đau nhức cơ và có thể dẫn đến bệnh gút. Bên cạnh đó, uống rượu bia nhiều có thể dẫn đến tình trạng béo phì và gây "bụng bia" làm gia tăng áp lực lên các khớp của cơ thể, khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

2.     Pho mát

Ghi chép nghiên cứu của Bệnh viện Brigham & Women's ở Boston (Hoa Kỳ) đã cho thấy, những người thường xuyên ăn pho mát có nguy cơ làm tăng tốc độ phát triển của bệnh viêm khớp, khiến tình trạng viêm nặng hơn. Giải thích nguyên nhân này, các chuyên gia tin rằng đó là do hàm lượng chất béo cao có trong chế phẩm từ sữa bò này gây ra. Vì vậy, khi bạn đang bị tấn công bởi cơn đau gút cấp mà sử dụng các thực phẩm có chứa pho mát sẽ khiến cơn đau tăng lên gấp bội phần.

3. Nước ngọt

Ở Anh, khoảng 1,5% dân số cũng đang bị bệnh gút và con số không ngừng gia tăng trong 30 năm trở lại. Các chuyên gia nhận thấy rằng, sự gia tăng số trường hợp mắc bệnh đi kèm với lượng tiêu thụ nước ngọt ngày càng cao và tương đồng với nhau. Trong khi đó, các nghiên cứu trước cũng khẳng định fructose trong nước ngọt đã làm gia tăng hàm lượng acid uric trong máu người sử dụng.

Để tìm hiểu kỹ hơn, nhóm các chuyên gia Mỹ và Canada đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 12 năm trên 46.000 đàn ông tuổi trên 40 chưa từng bị mắc bệnh gút. Nhóm cũng phỏng vấn những người đàn ông này về chế độ ăn uống của họ. Sau cả quá trình, 755 trường hợp mới bị bệnh gút được ghi nhận: Nguy cơ đặc biệt gia tăng ở những người tiêu thụ 5-6 cốc nước ngọt có đường mỗi tuần. Mối tương quan được rút ra sau khi đã tính đến các yếu tố rủi ro khác như chỉ số cơ thể, tuổi già, huyết áp và mức độ tiêu thụ cồn.

Bên cạnh đó, một mối nguy hại khác cũng được các chuyên gia ở Anh đề cập đến là hàm lượng đường cao có trong loại đồ uống thông dụng này gây giảm hấp thu canxi trong cơ thể và là "thủ phạm" gây viêm rất lớn. Do đó, các nguyên nhân trên đều dẫn đến sự tổn hại khớp và làm bệnh gút tiến triển xấu. Vì vậy, nước ngọt là đồ "tối kỵ" đối với những người bị các bệnh về khớp.

4. Thực phẩm có hàm lượng cao chất béo chuyển hóa (transfat)

Bao gồm các loại bánh ngọt, khoai tây chiên, các đồ chiên rán hay các loại thức ăn nhanh. Thứ nhất, sự ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với nguy cơ phát triển bệnh gút là thức ăn nhanh có thể gây ra các vấn đề liên quan đến thận. Với hàm lượng lớn các chất béo bão hòa và muối natri có trong thức ăn nhanh sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp do sự mất cân bằng nồng độ natri-kali. Đồng thời, thận phải tìm cách lọc tất cả những độc tố trong máu theo thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ suy thận, và khi thận đã suy yếu thì việc hình thành nên bệnh gút cũng là điều sớm muộn.

Thứ hai, trong thành phần của các loại thức ăn nhanh chứa rất ít chất xơ, chứa hàm lượng cao calo, chất béo - nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu lên các khớp ở cả 2 khía cạnh: Chúng vừa làm tăng tình trạng viêm và cùng lúc đó còn gây nguy cơ tăng cân làm gia tăng áp lực lên các khớp. Đồng thời, chúng chứa nhiều chất tạo hương vị khác nhau nên chúng ta rất dễ bị nghiện. Cũng chính vì điều này làm cho thức ăn nhanh trở nên hấp dẫn với nhiều người, do đó khiến cho tình trạng béo phì ngày càng gia tăng.

Phương pháp phòng ngừa bệnh gút an toàn và hiệu quả

Mặc dù các loại thực phẩm kể trên rất được nhiều người ưu thích nhưng bạn cần phải đảm bảo được mục đích ăn sao cho ngon, cho tiện mà phải an toàn cho sức khỏe và tránh các bệnh tật. Đặc biệt là bệnh nhân gút và đối tượng bị tăng acid uric máu càng chắc chắn tránh những loại thức ăn này vì sẽ khiến cho nguy cơ tái phát cơn đau gút càng tăng lên.

Bệnh nhân gút cần lên kế hoạch phòng bệnh ngay từ bây giờ bằng cách: Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lí với các món ăn truyền thống đa dạng rau xanh  và quả tươi, tránh các thực phẩm giàu đạm, bia rượu, các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn; thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, luôn giữ cho tâm trạng thoải mái...Những người thuộc nhóm nguy cơ mác bệnh gút và những người có tiền sử bị tăng acid uric máu nên thường xuyên đi kiểm tra chỉ số acid uric máu 3 tháng/lần để có thể kiểm soát bệnh tốt hơn.