Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh gút chính là chế độ ăn uống. Hãy loại bỏ ngay 3 nhóm thực phẩm sau ra khỏi thực đơn hàng ngày, nếu bạn không muốn cơn gút bùng phát và tình trạng viêm khớp trở nên nặng nề hơn.
3 nhóm thực phẩm kiêng kỵ đối với người bệnh gút
Gút là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin, khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, kéo dài, gây nên sự ứ đọng tinh thể muối urat tại sụn khớp và dẫn đến tình trạng viêm, sưng. Do đó, các loại thực phẩm làm tăng nồng độ acid uric hoặc ức chế sự đào thải acid uric không nên tồn tại trong thực đơn của người bệnh gút.
1. Thịt đỏ
Các loại thịt khác nhau sẽ có hàm lượng purin khác nhau. Trong đó, nhóm thịt chứa hàm lượng purin cao nhất mà người bệnh gút cần phải kiêng chính là các loại thịt đỏ.
Khi thịt đỏ được tiêu thụ, qua đường tiêu hóa, dưới xúc tác của các enzyme (nuclease, xanthinoxydase hay hypoxanthinoxydase), chúng được phân hóa thành các acid amin, sau đó tiếp tục được chuyển hóa thành xanthin và cuối cùng là acid uric. Do vậy, nếu chúng ta ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ làm cho hàm lượng acid uric trong máu tăng cao, từ đó dễ dàng khiến cơn gút cấp bùng phát.
Bệnh nhân nên chú ý kiêng các loại thịt đỏ bao gồm: Thịt bò, thịt chó, thịt ngựa, thịt trâu, thịt cừu…
2. Nội tạng động vật
Việc sử dụng nội tạng động vật để chế biến thành các món ăn là rất phổ biến ở các nước Châu Á. Những món ăn được chế biến từ các loại nội tạng rất đa dạng như: gan, tim, lòng, lưỡi, não... Mặc dù nội tạng động vật có nhiều vitamin, khoáng chất nhưng chúng cũng chứa rất nhiều đạm có nhân purin, ước tính trong 100g thực phẩm có trên 150mg purin. Do đó, khi người bệnh gút tiêu thụ các món ăn này sẽ làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu và việc tái phát cơn gút cấp sau là điều tất yếu. Đồng thời, nội tạng động vật cũng chứa các chất độc không tốt cho sức khỏe như: Thủy ngân, chì, crom, selen… và còn có thể nhiễm cả các loại kí sinh trùng. Vì vậy, hãy loại bỏ ngay những thực phẩm này ra khỏi món ăn hàng ngày của bạn nhé.
3. Rượu, bia
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc uống rượu, bia có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ cơn gút cấp bùng phát với các đối tượng dễ mắc bệnh gút. Các nhà khoa học đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến rượu, bia là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút như sau:
+ Các sản phẩm có chứa cồn làm ngăn cản sự loại bỏ các acid uric ra khỏi cơ thể: Lượng cồn này sẽ được chuyển hóa thành acid lactic, sau đó các chất này sẽ cạnh tranh với acid uric trong thận để được loại trừ trước qua thận. Do đó, các acid uric bị giữ lại trong cơ thể mà không được đào thải ra ngoài, lâu dài làm tăng nồng độ acid uric máu và lắng đọng thành muối urat ở khớp.
+ Ảnh hưởng tới nồng độ acid uric trong cơ thể: Chính hàm lượng cồn có trong rượu, bia (nhất là gốc ethanol) làm tăng hàm lượng ATP được chuyển đổi thành AMP - Đây là một chất nền để tạo ra acid uric. Với điều kiện chất nền được tạo ra nhiều thì khả năng tổng hợp acid uric càng dễ dàng, nên nồng độ acid uric trong cơ thể sẽ tăng hơn mức bình thường.
Vì vậy, các bác sỹ khuyên rằng, những người mắc gút nên kiêng rượu, bia hoàn toàn.
Văn Cơ