Nhằm giảm bớt các tác dụng phụ của các loại thuốc tây trong điều trị bệnh gút, hiện nay các bác sĩ và người bệnh đang hướng đến việc sử dụng các loại thảo dược để việc điều trị đạt hiệu quả hơn. Với sự đa dạng và phong phú của thảm thực vật ở Việt Nam thì càng thuận lợi cho việc phát triển tiềm năng cây thuốc, bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc 3 loại thảo dược rất tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh gút.
Các cây thuốc điều trị bệnh gút hiệu quả
1. Bạch truật
Theo đông y, bạch truật có vị ngọt, tính đắng, có tác dụng hóa đàm, lợi tiểu và là một vị thuốc chữa sốt, bổ máu, tăng tiết mật, tăng cường giải độc gan thận rất tốt.
Hoạt tính chống viêm của cây bạch truật được phát huy rõ ở giai đoạn gút cấp tính bởi công dụng giảm phù nề, giảm sưng đau. Ngoài ra, với chức năng hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường giải độc cho gan thận nên cây bạch truật còn giúp cơ thể đào thải acid uric dư thừa ra khỏi cơ thể.
2. Cây xáo tam phân
Cây xáo tam phân là loại dược liệu quý được ứng dụng để chữa nhiều bệnh khác nhau, trong đó có bệnh gút. Theo y học cổ truyền, cây thuốc này có tác dụng điều hòa hệ miễn dịch, thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, giảm đau, tiêu đờm, thông kinh, giúp khí huyết lưu thông, tăng cường thể trạng và trị đau nhức xương khớp rất tốt.
Đối với bệnh nhân gút, do họ phải đối mặt với những cơn đau kinh hoàng, khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn và mất ngủ nên khi sử dụng cây xáo tam phân sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, chống viêm và ngăn ngừa các cơn gút cấp tính tấn công. Mặc dù cây xáo tam phân có công dụng rất tốt cho việc điều trị bệnh gút, tuy nhiên đối với những người mắc bệnh tim mạch, phụ nữ mang thai và nam giới trong độ tuổi sinh sản khi muốn sử dụng cây thuốc này thì cân nhắc và hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
3. Nhàu
Cây nhàu - cây thuốc quen thuộc với nhiều công dụng như giúp nhuận tràng, mát gan, lợi tiểu, tăng hấp thụ vitamin, khoáng chất, chống oxy hóa cao giúp ngăn chặn sự hủy hoại của các gốc tự do. Song song đó, đã có hơn 160 công trình nghiên cứu về thành phần và công dụng của cây Nhàu. Cụ thể như công trình khoa học của Levand O và Larson HO đã công bố trong cây nhàu có các hoạt chất như Scopoletin, Octoanoic acid, Terpenoids, Alcaloids, Anthraquinones, b - sitosterol, Flavonoids, Rutin, Linoleic acid, Amino acid và cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất khác. Chính các hoạt chất này mà cây nhàu đã trở thành một cây thuốc tiềm năng trong điều trị bệnh gút với những tác dụng:
+ Tác dụng chống viêm: hỗ trợ điều trị các chứng bệnh liên quan tình trạng viêm của cơ và sụn khớp.
+ Tác dụng giảm đau nhức: giảm các chứng đau lưng, đau cơ, đau thần kinh. Nhàu còn được xem là một loại thuốc giảm đau an toàn trong đông y vì không gây ra tác dụng phụ nào khi sử dụng. Do đó, nhàu có thể dùng làm vị thuốc hữu hiệu để giải quyết các cơn đau gút cấp.
+ Tác dụng loại bỏ độc tố: vị chua của trái nhàu làm tăng sự co bóp cơ trơn của thành ruột, từ đó tăng khả năng hấp thụ và cải thiện hoạt động cho hệ tiêu hóa. Đồng thời, nhàu còn giúp điều hòa chức năng gan, thận giúp lợi tiểu, mát gan do đó tăng cường khả năng đào thải acid uric dư thừa ra khỏi cơ thể và tăng cường sức khỏe toàn trạng cho người bệnh gút.
Văn Cơ.