Ba kích còn có tên là Dây ruột già, Chẩu phóng xì (Quảng Ninh), Sáy cáy (Thái), Thao tày cáy (Tày), Ba kích thiên (Trung Quốc)… Tên khoa học Morinda officinalis stow. họ cà phê (RUBIACEAE). Là cây dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Ngọn có cạnh, màu tím, có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục thuôn nhọn; phiến lá cứng có lông tập trung ở mép và ở gân, khi già ít lông hơn, màu trắng mốc, dài 6-15cm, rộng 2,5-6cm, cuống ngắn.
Theo y học hiện đại Ba Kích có công dụng sau:
1. Tăng sức dẻo dai: Trên thực nghiệm Ba kích với liều 5-10g/kg dùng liên tiếp 7 ngày thấy có tác dụng tăng sức dẻo dai cho súc vật thí nghiệm.
2. Tăng sức đề kháng: Ba kích có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể đối với các yếu tố độc hại.
Đối với người già hoặc những bệnh nhân không biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, ngủ ít, gầy yếu mà không thấy có những yếu tố bệnh lý gây nên và một số trường hợp có đau mỏi các khớp, Ba kích có tác dụng tăng lực rõ rệt thể hiện qua những cảm giác chủ quan như giảm mệt mỏi, ăn ngon, ngủ ngon và những dấu hiệu khách quan như tăng cân nặng, tăng cơ lực. Đối với bệnh nhân đau mỏi các khớp thì sau khi dùng Ba kích dài ngày cho thấy có hiệu quả.
3. Chống viêm: Các kết quả nghiên cứu ở chuột cống trắng đã cho thấy Ba kích có tác dụng chống viêm rõ rệt.
4. Đối với hệ thống nội tiết: Các thí nghiệm trên chuột lớn và chuột nhắt cho thấy Ba kích không có tác dụng kiểu Androgen nhưng có thể có khả năng tăng cường hiệu lực của Androgen hoặc tăng cường quá trình chế tiết hormon Androgen.
Đối với nam giới có hoạt động sinh lý yếu Ba kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp (đặc biệt đối với những trường hợp giao hợp yếu, ít). Ba kích còn có tác dụng tăng cường sức dẻo dai, mặc dù nó không làm tăng nhu cầu sinh lý, không thấy có tác dụng kiểu Androgen. Tuy không làm thay đổi tinh dịch đồ nhưng trên thực tế có tác dụng hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh lý cũng như điều trị vô sinh cho nam giới có biểu hiện vô sinh tương đối và suy nhược cơ thể. Đối với các trường hợp tinh dịch ít, tinh trùng chết nhiều, không có tinh trùng, không xuất tinh khi giao hợp thì sử dụng Ba kích chưa thấy có kết quả.
Rễ Ba kích chiết xuất bằng rượu có tác dụng hạ huyết áp, có tác dụng nhanh đối với các tuyến cơ năng, tăng cường hoạt động của não, giúp ngủ ngon.
5. Nước sắc Ba kích có tác dụng tương tự như ACTH làm cho tuyến ức chuột con bị teo, ngoài ra còn có tác dụng làm hạ huyết áp.
7. Không có tính độc, LD50 của Ba kích được xác định trên chuột nhắt trắng bằng đường miệng là 193g/kg.
Theo Đông y, ba kích vị cay, chát, ngọt, tính ôn, vào kinh thận. Có tác dụng ấm thận, tráng dương, khỏe gân cốt, trừ phong thấp.
Dưới đây là một số bài thuốc hay từ ba kích:
Trị lưng đau do phong hàn, đi đứng khó khăn: Ba kích 60g, Ngưu tất 120g, Khương hoạt 60g, Quế tâm 60g, Ngũ gia bì 60g, Đỗ trọng (bỏ vỏ, sao hơi vàng) 80g, Can khương (bào) 60g. Tán bột, trộn mật làm hoàn, uống với rượu ấm (Ba Kích Hoàn - Thánh Huệ Phương).