Chào bác sĩ, Ông tôi hiện nay đã 65 tuổi, ông đã ăn chay trường gần 10 năm qua nhưng dạo gần đây ông bị đau nhức khớp ngón chân cái bên phải và đôi khi là bên trái. Nhà tôi đưa ông đi khám thì phát hiện ông bị bệnh gút và chỉ số acid uric bị tăng cao khoảng 480 micromol/lít. Vậy cho tôi hỏi ông có thể ăn đậu hũ hay các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành được không?
Trả lời:

Chào bạn,

Theo các quan điểm dân gian trước đây cho rằng, những thực phẩm người bệnh gút không nên ăn bao gồm các loại thịt đỏ, hải sản, rượu bia,… và cả các loại đậu. các nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh đậu nành không ảnh hưởng tình trạng bệnh gút mà ngược lại đôi khi còn có lợi cho bệnh nhân.

Đậu nành không ảnh hưởng đến tình trạng của người bệnh gút

Theo thống kê của một quốc gia thuộc Đông nam Á là Singapore, tại đây có khoảng 4% dân số trên 45 tuổi mắc gút mà phổ biến nhất là đối tượng nam giới. Bệnh gút khởi phát do nồng độ axit uric trong máu tăng cao quá ngưỡng bình thường (trên 420 micromol/lít), kéo dài mà không được điều chỉnh. Từ đó, hình thành các tinh thể natri urat tại khớp và gây ra những cơn đau khớp dữ dội. Do đó, những thực phẩm giàu purin dễ khiến acid uric trong máu tăng cao như thịt đỏ, hải sản… đậu nành và các loại đậu khác.

Đối với các phân tích về thành phần hạt đậu nành thì trong hạt gồm có: gluxit 15 - 25%, chất béo 15 – 20%, protein từ 35 - 45%, muối khoáng 6%, có các vitamin B1, B2, PP, A, D, E, có các loại men tiêu hóa như amylase, lipase và proteas, chất chống men trypsine, chất chống đông máu, chất sinh bướu giáp và chất phytoestrogen còn gọi là estrogen thực vật làm giảm cảm giác bốc hỏa và những rối loạn ở tuổi mãn kinh, tốt cho tim mạch. Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành là  thức ăn có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất đường, chất khoáng, có nhiều vitamin, enzyme, lại dễ tiêu hóa; giúp tái tạo lại màng tế bào, màng các bào quan tế bào kế cả tế bào thần kinh; giúp tạo hình co, gân, xương, tạo năng lượng. Nhưng với các quan điểm trước đó thì người bệnh gút vẫn không nên sử dụng vì chúng cũng chứa hàm lượng acid uric cao.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Teng Gim Gee (chuyên gia tư vấn cao cấp, Khoa Xương khớp, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore) cùng đồng nghiệp lại đi ngược với quan điểm này. Kết quả cho thấy, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành không làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút thậm chí họ còn thấy rằng việc ăn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có thể giúp giảm 14% nguy cơ mắc căn bệnh này. Nghiên cứu được tiến hành trên 51.114 người Trung Quốc sinh sống tại Singapore có độ tuổi từ 45-74 tuổi, được tuyển chọn trong khoảng 6 năm (1993 – 1998), trong đó có 2.179 người mắc bệnh gút. Những người tham gia được các nhà nghiên cứu hỏi về thói quen ăn uống và tình trạng sức khỏe của họ trong các khoảng thời gian 1999 – 2004 và 2006 – 2010.

Mặc dù những thực phẩm giàu purin như cá và các loại thịt đỏ được biết đến là có thể gây ra mức acid uric cao trong máu, khi tồn tại lâu trong cơ thể sẽ hình thành các tinh thể muối urat lắng đọng tại các khớp, gây đau nhức khớp, nhưng đậu nành thì không gây ra những tác dụng tương tự như vậy, các nhà nghiên cứu tại NUS cho biết.

Giáo sư Koh Woon Puay, trường đại học Duke – NUS, cho biết, ngoài nghiên cứu trên cho thấy đậu nành không liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh gút, còn có 6 nghiên cứu khác được thực hiện tại Nhật Bản và Đài Loan cũng cho rằng việc tiêu thụ đậu nành cũng không làm tăng acid uric máu.

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân tại sao trong đậu nành có chứa lượng purin cao nhưng lại không làm tăng acid uric trong máu. Dựa trên một nghiên cứu tại Nhật Bản, họ phán đoán rằng, đậu nành có thể làm tăng bài tiết acid uric nên nó không có vai trò trong việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

Mặc dù, nghiên cứu trên cho thấy được đậu nành không làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút, nhưng cũng cần có nhiều nghiên cứu khác để khẳng định thêm. Vì thế, gia đình nên kiểm soát chế độ ăn của ông, chỉ nên bổ sung thêm đậu nành với một lượng vừa phải không nên sử dụng quá nhiều và ông bạn là người ăn chay nên kết hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau từ rau củ quả, sữa và các sản phẩm từ sữa để tăng hàm lượng dinh dưỡng, đa dạng món ăn.