Tôi 42 tuổi, vừa rồi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện bị tăng acid uric. Bác sĩ ở bệnh viện huyện bảo tôi bị gút và kê đơn thuốc. Tôi lại đi khám chuyên khoa khớp ở tỉnh và phải làm nhiều xét nghiệm khác, bác sĩ ở đây lại bảo tôi không phải bị gút nên không cho uống thuốc gì. Tôi đang phân vân không biết nên nghe theo ai và có nên uống thuốc hay không?
Trả lời:

Chào bạn,

Bình thường, lượng acid uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ 420μmol/l đối với nam và 360μmol/l đối với nữ. Theo như thư bạn mô tả thì có thể hiểu bạn bị tăng acid uric máu không triệu chứng. Tuy nhiên, việc nên dùng thuốc để điều trị hạ acid uric hay chưa cần thiết còn phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Hiện nay có một thực tế là rất nhiều người, kể cả các bác sĩ không phải chuyên khoa khớp cho rằng, cứ tăng acid uric máu là bệnh gút và cho điều trị luôn. Đây là quan niệm sai lầm vì chỉ coi là có bệnh gút khi tăng acid uric máu đi kèm với sự lắng đọng acid uric và gây tổn thương ở khớp hay những tổ chức khác.

Điều trị tình trạng tăng acid uric máu ở những bệnh nhân đã bị cơn gút góp phần hạn chế, ngừng các cơn gút cấp tái phát cũng như biến chuyển bệnh thành gút mạn tính có hạt tophi, sỏi thận - suy thận do gút. Tuy nhiên, trong trường hợp tăng acid uric máu không triệu chứng thì còn nhiều tranh cãi. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, không có những bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ việc dùng thuốc hạ acid uric trong trường hợp này. Ngược lại với lợi ích ít ỏi thu được là việc bệnh nhân phải mất nhiều chi phí cho điều trị cũng như tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng do dùng thuốc.

Chúc bạn sớm hồi phục!