Chào bác sĩ, Tôi tên Long, hiện nay 42 tuổi, là giáo viên. Tuần rồi tôi có đi khám tổng quát, qua đó thì tôi có kiểm tra chỉ số axit uric, kết quả của tôi là 450µmol/l. Tôi có tìm hiểu thông tin thì nồng độ axit uric cho phép ở nam giới là dưới 420µmol/l, nếu chỉ số này cao thì rất có khả năng mắc bệnh gút, mặc dù hiện tại tôi không bị đau vị trí nào ở tay hoặc chân. Bác sĩ cho tôi hỏi trường hợp của tôi nên dùng loại thuốc nào để có thể hạ nhanh nồng độ axit xuống để không mắc bệnh, vì theo tôi biết đây là bệnh mạn tính, rất khó chữa. Xin cảm ơn!
Trả lời:

Không phải lúc nào chỉ số axit uric cao cũng dùng các thuốc hạ axit uric, bởi vì các thuốc này ngoài công dụng điều trị bệnh thường kèm theo các các dụng phụ không mong muốn. Những người tăng axit uric máu không triệu chứng,  thay vì dùng các loại thuốc, thì nên thay đổi chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao, tránh các chất kích thích… cũng có thể cải thiện được tình trạng trên.

Chào bạn,

Bệnh gút, hay dân gian thường gọi là bệnh thống phong, đây là bệnh gây ra khi lượng axit uric trong máu tăng cao vượt quá ngưỡng cho phép, các tinh thể muối urat bão hòa và tích tụ lại, gây nóng, đỏ, sưng đau tại vị trí các khớp. Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào chỉ số axit uric để đánh giá một người có mắc bệnh gút hay không, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Ngoài dựa vào chỉ số axit uric cao, thì người bệnh cần phải có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh như đau, sưng ở các khớp hoặc xuất hiện các cục tophy. Nhiều người tuy có nồng độ axit uric cao nhưng không có các triệu chứng lâm sàn thì cũng không thể chuẩn đoán là bệnh được, trường hợp này gọi là hội chứng tăng axit uric máu không triệu chứng, nhưng những người mắc hội chứng này, nguy cơ mắc bệnh gút là khá cao nếu như không có những biện pháp can thiêp kịp thời.

Một điểm lưu ý quan trọng là không phải lúc nào nồng độ axit uric máu cao cũng nên dùng thuốc, vì bên cạnh tác dụng trị bệnh, những loại thuốc này thường mang nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến thận, gây dị ứng…, thêm vào đó sẽ rất nguy hiểm nếu như dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

Việc sử dụng thuốc hạ axit uric cần phải dựa vào tình trạng bệnh nhân cụ thể, nếu như người bệnh đang đau, việc dùng thuốc cũng không nên áp dụng ngay, mà phải đợi các cơn đau bớt đi mới sử dụng. Đối với những người mắc hội chứng tăng axit uric không triệu chứng chỉ sử dụng thuốc khi nồng độ cao ở mức 700 µmol/l mới có nguy cơ tim mạch và cần dùng thuốc hạ axit uric.

Trường hợp của bạn, chỉ số axit uric cũng không cao lắm, cũng như không kèm theo các triệu chứng nào của bệnh gút thì việc điều trị bằng thuốc hạ axit uric là không cần thiết. Việc bạn cần làm là nên có một chế độ ăn kiêng, vận động thể lực, tránh rượu bia, thuốc lá, nên uống nhiều nước… Bạn nên đi kiểm tra chỉ số axit uric của mình thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh của mình. Nếu như bạn đã áp dụng các biện pháp trên mà nồng độ vẫn chưa giảm, để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến thận, lúc đó bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp nhất.

Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Chuyên viên tư vấn!