Chào bác sĩ! Tôi năm nay 60 tuổi. Tôi mắc bệnh gút đã hơn 20 năm. Bệnh tái phát khoảng 1- 2 lần/năm, thường đau ở mu bàn chân, mỗi lần tái phát, khớp chân tôi như bị thiêu đốt và bị kim châm vậy. Tôi thường ra tiệm thuốc mua thuốc giảm đau về uống và chịu đựng, tầm 1 tuần lễ thì hết. Nhưng 1-2 tháng nay, ngón cái và mu bàn chân cả 2 bên đều bị đau, sưng cứng, kéo dài hơn không hết, khiến tôi không thể đi lại được nữa. Vậy tình trạng bệnh của tôi ở giai đoạn mấy rồi? Có nặng lắm không? Uống thuốc giảm đau nhiều được không bác sĩ?Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi. Tôi cảm ơn
Trả lời:

Chào chú Thái Bình,

Gút là bệnh lý rối loạn chuyển hóa đạm có nhân purin, gây tăng nồng độ acid uric trong máu và lắng đọng muối urat tại các sụn khớp. Đây là bệnh lý thường gặp ở nam giới sau 30 tuổi. Đặc trưng của bệnh là những cơn gút cấp với biểu hiện điển hình là: Sưng, nóng, đỏ, đau, nhất là khớp bàn chân, ngón chân, ngón tay, khuỷu tay, đầu gối…

Các giai đoạn phát triển của bệnh gút

Bệnh gút có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Độ uric trong máu cao (không triệu chứng)
Giai đoạn này, nồng độ acid uric tăng cao, tuy nhiên, chưa xuất hiện các cơn gút cấp. Do đó, bác sĩ thường gọi là “tăng acid uric máu”, chưa phải gút. Ở giai đoạn này, việc yêu cầu điều trị chưa thực sự cần thiết, nhưng bệnh nhân nên tầm soát và theo dõi thường xuyên.
- Giai đoạn 2: Viêm khớp cấp tính
Khi nồng độ acid uric máu tăng cao kéo dài, sẽ lắng đọng thành các tinh thể acid uric sắc nhọn trong dịch khớp, gây nên tình trạng viêm. Cơn gút cấp đầu tiên xuất hiện bất ngờ, thường vào ban đêm và không có cảnh báo nào. Triệu chứng điển hình là sưng, nóng, đỏ và rất đau. Bệnh nhân gút thường mô tả tình trạng khớp lúc đó giống như bị đốt cháy, bị một cái búa khoan, hay hàng ngàn kim đâm vào khớp. Và điều thật không may là nếu đã xuất hiện cơn gút cấp thì trong khoảng thời gian sắp tới cơn gút cấp khác cũng sẽ xảy ra. Hơn 70% bệnh nhân bị xuất hiện cơn gút cấp thứ hai trong vòng 6 tháng đến 2 năm sau cơn gút cấp đầu tiên. Dần dần, các cơn gút cấp xuất hiện với mức độ thường xuyên, nghiêm trọng hơn, đau kéo dài hơn, thời gian phục hồi lâu hơn so với cơn gút cấp ban đầu.

- Giai đoạn 3: Tổn thương khớp giữa các cơn đau gút

Ở khoảng thời gian giữa các cơn gút cấp, bệnh nhân không phải trải qua bất kỳ cơn đau nào, chức năng của các khớp đều hoạt động bình thường. Nhưng thực tế, nồng độ acid uric máu của chúng vẫn đang cao, các tinh thể muối urat vẫn hiện diện và tiếp tục lắng đọng tại khớp. Vì vậy, ngay cả khi không xuất hiện cơn đau, tinh thể urat vẫn tiếp tục gây tổn thương khớp.

- Giai đoạn 4: Gút mạn tính
Nếu triệu chứng gút tái đi tái lại mà không điều trị hợp lý trong khoảng từ 5 năm hay lâu hơn, chúng có thể trở thành mạn tính và thường tấn công nhiều khớp hơn. Có thể, các cơn đau sẽ xuất hiện liên tục mà không còn khoảng thời gian ngừng đau. Giai đoạn này thường bị nhầm với các dạng bệnh khác, nhất là viêm khớp.

Theo như sự mô tả tình trạng của chú hiện tại, thì có thể, bệnh đang ở giai đoạn 4 là gút mạn tính. Bệnh của chú đang tiến triển theo chiều hướng nặng hơn vì có sự xuất hiện của các cơn đau liên tục, xảy ra ở nhiều khớp...

Cần làm gì để điều trị bệnh gút hiệu quả và an toàn?

Trong giai đoạn này, chú cần chú ý về chế độ ăn uống, tránh ăn thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật...; tránh uống bia, rượu, hút thuốc, tránh căng thẳng vì sẽ khiến cơn gút cấp nặng nề hơn.

Khi cơn gút cấp xuất hiện, chú có thể dùng thuốc giảm đau, nhưng không nên lạm dụng, chỉ sử dụng khi thực sự đau nhức và không nên dùng quá 1 tuần, vì các loại thuốc này có thể gây tác dụng không mong muốn trên dạ dày, gan, thận... Bên cạnh đó, chú cần tái khám để có hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc và liều dùng phù hợp hơn.

Chuyên gia tư vấn