Chào bạn!
Bạn mới phát hiện bệnh gout cách đây hơn 1 năm thì chưa phải là quá lâu. Ở giai đoạn mới phát bệnh như lúc này thì bạn có thể dễ dàng kiểm soát bệnh hơn là khi nó đã sang giai đoạn mạn tính.
Gout là bệnh về xương khớp phổ biến, dấu hiệu đặc trưng nhất là người bệnh thấy xuất hiện những cơn đau dữ dội tại khớp, điển hình là khớp ngón chân. Nếu bạn không có phương pháp điều trị bệnh gout đúng cách và kịp thời, nó sẽ tiến triển rất nhanh, có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như biến dạng xương khớp, sỏi thận, suy thận, thậm chí gây tử vong sớm. Tôi xin làm rõ hơn các vấn đề bạn đang thắc mắc như sau:
Thứ nhất: Có nên sử dụng thuốc hạ acid uric (allopurinol) hay không?
Acid uric là sản phẩm của purin có trong thực phẩm mà bạn ăn hàng ngày. Acid uric tạo thành các tinh thể hình kim sắc nhọn gây ra cơn đau bệnh gout. Acid uric máu tăng cũng có thể gây bệnh thận và sỏi thận.
Thuốc allopurinol có khả năng ức chế enzym xanthinoxydase – một loại enzym có vai trò chuyển các tiền chất hypoxanthin và xanthin thành acid uric, nhờ đó giúp giảm nồng độ acid uric trong máu. Allopurinol cũng có khả năng làm giảm acid uric máu do ức chế cạnh tranh tổng hợp acid uric qua nước tiểu, vì vậy ít gây sỏi thận và cơn đau gout hơn.
Đây là loại thuốc uống giúp giảm axit uric nhanh nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng, bởi phản ứng phụ của nó gây ra không hề nhỏ. Loại thuốc này chỉ được phép dùng khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, trường hợp tự ý uống hay dùng sai liều có thể gây sốc phản vệ, thậm chí đe dọa tới tính mạng của bạn.
Sử dụng thuốc hạ acid uric trong thời gian dài có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ ngoài da kèm sốt nhẹ, tăng phosphatase kiềm, tăng men gan, cơn kịch phát bệnh gout cấp nổi sần mụn nước. Chính vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này.