Chào bạn!
Để giải đáp thắc mắc: Giảm axit uric trong máu có hiệu quả không? bạn cần hiểu những thông tin cơ bản về axit uric máu và nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Axit uric là gì? Nguyên nhân hình thành do đâu?
Axit uric là một chất thải tự nhiên trong cơ thể. Axit uric được tạo ra bởi sự phân hủy của purin – hợp chất có trong một số thức ăn hoặc từ sự phân hủy bình thường của một số tế bào của cơ thể. Thận lọc ra hầu hết axit uric trong máu và loại bỏ nó khỏi cơ thể nhờ nước tiểu. Khi axit uric tích tụ, không được đào thải hết, chúng sẽ tích tụ tại khớp gây cơn đau gút. Axit uric dư thừa cũng có thể tạo thành tinh thể hoặc sỏi thận, suy thận.
Các yếu tố có thể gây ra mức axit uric cao bao gồm:
- Sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế miễn dịch,…
- Uống quá nhiều rượu;
- Do di truyền;
- Mắc bệnh suy giáp, bệnh vẩy nến,…
- Bị thừa cân, béo phì;
- Do chế độ ăn giàu purin như thịt bò, cá cơm, cá mòi, nội tạng động vật, bia, rượu,…
Tăng axit uric có nguy hiểm không?
Nồng độ axit uric máu bình thường vào khoảng 420 micromol/lít ở nam giới và 360 micromol/lít ở nữ giới. Khi nồng độ vượt quá ngưỡng trên thì được gọi là tăng axit uric máu.
Với chỉ số axit uric như của bố bạn thì không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, bố bạn cần kiểm soát tốt nồng độ axit uric máu trong cơ thể bởi nếu không cẩn thận có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Bạn nên biết, axit uric cao không chỉ gây ra bệnh gút mà nó còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý khác trong cơ thể như:
Bệnh tim mạch
Mối liên quan giữa nồng độ axit uric máu cao với bệnh lý tim mạch không chỉ xảy ra ở ngưỡng tăng thực sự (khi nồng độ axit uric máu vượt quá ngưỡng nêu trên) mà còn xảy ra ở nồng độ bình thường tới ngưỡng cao (từ 310 - 330 micromol/lít). Axit uric tăng cao cũng là yếu tố có giá trị tiên lượng xuất hiện các biến cố tim mạch ở bệnh nhân suy tim, bệnh lý mạch vành.
Huyết áp cao
Người ta thấy rằng, tỷ lệ bệnh nhân người lớn bị tăng huyết áp tiên phát không được điều trị có tăng axit uric máu chiếm từ 25 - 60%, và tỷ lệ này xấp xỉ 90% ở các trường hợp tăng huyết áp tuổi thanh thiếu niên. Những người có tăng axit uric máu mà chưa thấy tăng huyết áp thì rất có thể sẽ bị tăng huyết áp trong tương lai gần.
Các bệnh về thận
Với bệnh lý thận, các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng đều gợi ý rằng, tăng axit uric có thể dẫn tới bệnh thận mà không do lắng đọng tinh thể urat. Tăng axit uric có ảnh hưởng đến chức năng thận thông qua việc gây tổn thương các mạch máu, làm mất cơ chế tự điều hòa của thận, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường. Việc giảm axit uric trong máu sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh lý về thận.
Hội chứng chuyển hóa
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, tăng axit uric máu có thể dẫn đến béo phì, tiểu đường và thậm chí là tăng insulin máu. Tăng axit uric máu được xem là một phần không thể thiếu của hội chứng chuyển hóa. Các nghiên cứu dịch tễ học khác nhau đã chứng minh rằng, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa tăng đáng kể khi mức độ axit uric tăng cao và ngược lại.
Ảnh hưởng tới mạch máu
Với những bệnh lý mạch máu, nồng độ axit uric tăng cao ảnh hưởng đến chức năng của lớp tế bào nội mạc mạch máu, kích thích giải phóng các gốc tự do, hoạt hóa chất trung gian của quá trình viêm, gây tăng kết tụ tiểu cầu, tạo các vi huyết khối, những phản ứng viêm mạn tính và về lâu dài làm tổn thương thành mạch.
Các bệnh khác
Tăng axit uric máu cũng đặc biệt có liên quan đến các bệnh lý mạch ngoại vi, mạch cảnh, tiền sản giật và chứng sa sút trí tuệ có nguồn gốc mạch máu. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh, việc điều trị hạ axit uric góp phần làm ngăn ngừa hoặc giảm tiến triển của các bệnh lý này trên thực nghiệm và lâm sàng.
Như vậy, có thể thấy, axit uric máu cao là tình trạng khá nguy hiểm, gây nhiều hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy, bố bạn cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ để giảm axit uric trong máu, đưa nồng độ này về mức cho phép.