Chào bác sĩ, Tôi tên Hải Đăng, năm nay 35 tuổi. Trong đợt kiểm tra sức khỏe định kì của công ty vừa rồi thì tôi được chẩn đoán bị tăng acid uric máu. Sau đó, tôi có lên bệnh viện đa khoa tỉnh để khám lại và phải làm nhiều xét nghiệm khác. Bác sĩ ở tỉnh bảo tôi mới chớm mắc bệnh gút nên không kê đơn thuốc, chỉ bảo về chú ý ăn uống nên kiêng ăn thịt bò, hải sản,.. và giảm uống rượu. Tôi đang rất lo lắng vì bác sĩ không kê thuốc nào cho tôi, vậy để lâu dài có bị gút không? và có loại sản phẩm nào giúp ổn định acid uric máu không bác sĩ? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ rất nhiều! Nguyễn Hải Đăng (Trà Vinh)
Trả lời:

Chào bạn Đăng,

Hiện nay, tình trạng tăng acid uric máu là khá phổ biến vì thế chúng ta cần hiểu rõ hơn về chứng tăng acid uric máu để có phương hướng điều trị kịp thời và tránh những bệnh lý có liên quan tiến triển về sau.

Tăng acid uric do đâu? Ở người bình thường, nồng độ acid uric máu luôn được giữ ở mức ổn định thấp hơn 420μmol/l đối với nam và thấp hơn 360μmol/l đối với nữ. Nồng độ acid uric luôn được giữ cân bằng trong cơ thể chủ yếu nhờ chức năng thận và một phần qua ruột non. Tuy nhiên, do các yếu tố như ăn quá nhiều thịt giàu đạm hoặc thói quen lười vận động, uống nhiều bia rượu sẽ dẫn đến tình trạng tăng tổng hợp acid uric hoặc xuất phát từ sự rối loạn chức năng của gan thận làm suy giảm sự đào thải acid uric. Từ đó, lượng acid uric trong máu ngày càng tăng cao – đây cũng chính là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến bệnh gút.

Khi nào sử dụng các thuốc hạ acid uric máu? Ở các đối tượng mắc chứng tăng acid uric máu nếu có kèm theo các triệu chứng đau, sưng, nóng đỏ ở khớp thì mới chẩn đoán là bệnh gút. Còn ở các đối tượng bị tăng acid uric máu và chưa có các triệu chứng của gút thì chưa cần dùng thuốc hạ acid uric mà việc tốt nhất là nên thay đổi thói quen sống, nên ăn kiêng khem một số loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin, uống nhiều nước, hạn chế các loại rượu bia, nước ngọt và tăng cường luyện tập thể thao nhằm mục đích ổn định nồng độ acid uric. Lưu ý: Chỉ với các trường hợp ở mức acid uric máu khoảng 13mg/dl hoặc cao hơn 700μmol/l, không triệu chứng đau khớp hoặc khi có sự sản xuất acid uric cấp tính mới cần điều trị bằng thuốc tây hạ acid uric. Hãy đến gặp bác sĩ để có những lời khuyên thích hợp, không được tự ý dùng thuốc tây, vì sẽ mang lại nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe.

Hướng xử trí khi bị tăng axit uric máu

Theo như những thông tin bạn chia sẻ thì có thể hiểu bạn bị tăng acid uric máu không triệu chứng, đây cũng được coi là giai đoạn đầu tiên của bệnh gút, vì vậy, việc dùng các thuốc hạ acid uric máu chưa cần thiết, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh gút của bạn về sau là khá cao. Một số người có quan điểm sai lầm là cứ bị tăng acid uric máu là chẩn đoán mắc bệnh gút, và sử dụng các loại thuốc điều trị gút tùy tiện. Việc sử dụng thuốc không đúng liệu trình sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, chưa kể đến các tác dụng phụ từ thuốc. Do đó, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là nên thường xuyên đi kiểm tra nồng độ acid uric máu để có thể tầm soát được và ngăn chặn việc hình thành bệnh gút.